Mục tiêu “kép” với giáo dục đại học
Năm học 2020-2021 là năm thứ 2 toàn ngành Giáo dục triển khai nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn do đại dịch COVID-19. Mặc dù tình hình dịch bệnh tác động nặng nề hơn so với năm trước, nhưng ngành Giáo dục không chỉ ứng phó tốt mà còn chủ động tích cực cùng cả nước thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Đánh giá về những kết quả của giáo dục đại học (GDĐH) trong năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, GDĐH đã hoàn thành mục tiêu “kép”: Vừa đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; vừa tham gia phòng chống dịch.
Các cơ sở GDĐH đã chuyển nhanh sang dạy và học trực tuyến, linh hoạt trong tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả. Đến nay, hầu hết các cơ sở GDĐH đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, trừ một số trường khu vực miền Trung, miền Nam và một số trường thuộc khối y dược, công an, quân đội.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh tự chủ đại học đã ghi nhận sự thay đổi rất lớn về nhận thức và sự triển khai quyết liệt của các trường. 142/175 đơn vị công lập, 34/35 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT đã hoàn thành kiện toàn Hội đồng trường.
Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng có nhiều điểm sáng khi số bài báo ISI/SCOPUS của các cơ sở GDĐH năm 2020 tăng 4 lần so với năm 2016. Sau 5 năm, các cơ sở GDĐH vượt 75.400 bài, chiếm hơn 77% trong tổng số bài báo ISI/SCOPUS cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2021, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã đánh giá cao những kết quả mà GDĐH đạt được trong thời gian qua.
Đặc biệt, khi cả nước ứng phó với dịch bệnh, khối GDĐH đã có nhiều đóng góp trí tuệ, kết quả nghiên cứu; đóng góp nhân lực, vật lực đáng kể cho công việc chống dịch. Trong đó, những nghiên cứu về vắcxin, thuốc, dụng cụ, phương tiện chống dịch của một số cơ sở GDĐH được xã hội đánh giá cao, có tính ứng dụng trong thực tiễn.
Về năm học mới 2021-2022, Bộ trưởng cho rằng đây là năm sẽ phải tiếp tục khắc phục khó khăn, kiên trì mục tiêu chất lượng, tiếp tục đổi mới thực hiện theo lộ trình.
Trong đó cần tăng cường các giải pháp thích nghi với điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài, thực hiện chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến, kiên trì mục tiêu chất lượng và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.
“Giáo dục đại học không chỉ chuyển đổi số và ứng phó cho mình, mà còn đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số toàn ngành giáo dục, hỗ trợ cho bậc học phổ thông và giáo dục địa phương” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, theo Bộ trưởng, các trường ĐH cần tham gia chống dịch bằng tất cả khả năng có thể. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu thuốc, các công cụ phòng chống dịch. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu tư vấn chính sách về kinh tế - xã hội, việc làm, giải quyết những tác động của dịch bệnh tới con người, xã hội, tâm lý.
Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói của người thầy
Liên quan đến vấn đề tự chủ ĐH, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học tới tự chủ đại học sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả.
Tự chủ không gì khác là để ĐH năng động hơn, giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu tự chủ không mang lại được điều đó thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh.
“Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, để tiếng nói của người thầy, nhà khoa học, chuyên gia phải trở thành tiếng nói quan trọng trong quản trị, vận hành cơ sở giáo dục đại học. Có làm được điều đó, tự chủ đại học mới đầy đủ và có chiều sâu” - Bộ trưởng khẳng định.
Đi cùng với tự chủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng yêu cầu tăng công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng trong năm học mới.
Đồng thời, trong bối cảnh tuyển sinh chịu tác động của tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng cho rằng, tinh thần đổi mới công tác tuyển sinh cần gắn với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn để thích nghi. Đặc biệt, cần có sự đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT.