'Tất tần tật' thông tin về Hộ chiếu vắc xin, muốn đi du lịch nên đọc để biết cho rõ

08/04/2022, 10:16

Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các đơn vị liên quan xây dựng chức năng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 và các hệ thống liên quan phục vụ cho việc ký số và cấp "Hộ chiếu vắc xin". Dưới đây là 12 thông tin về "Hộ chiếu vắc xin" mà người dân nhất định phải biết.

"Hộ chiếu vắc xin" điện tử là gì?

Hiện nay "Hộ chiếu vắc xin" điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức y tế thế giới và Liên minh Châu Âu ban hành.

Thời hạn của "Hộ chiếu vắc xin" điện tử

Thời hạn của "Hộ chiếu vắc xin" điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.

Tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 có được cấp "Hộ chiếu vắc xin" điện tử không?

Việc sử dụng "Hộ chiếu vắc xin" người dân cần tìm hiểu thông tin từ Bộ Ngoại giao trước khi xuất cảnh.

"Hộ chiếu vắc xin" điện tử của Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật nào, có bao nhiêu quốc gia sử dụng tiêu chuẩn này?

"Hộ chiếu vắc xin" điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.

"Hộ chiếu vắc xin" điện tử của Việt Nam được sử dụng ở những quốc gia nào?

Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành biểu mẫu, quy trình và thực hiện cấp "Hộ chiếu vắc xin". Để biết "Hộ chiếu vắc xin" được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao.

Người dân phải làm gì để được cấp "Hộ chiếu vắc xin"?

Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp "Hộ chiếu vắc xin" mà không phải làm thủ tục gì thêm.

Xem "Hộ chiếu vắc xin" ở đâu?

"Hộ chiếu vắc xin" điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.

Thông tin tiêm chủng COVID-19 sai/thiếu thì phải làm gì?

Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng hoặc trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.

Nếu có sai sót/thiếu thông tin đề nghị người dân liên hệ (trực tiếp hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn) với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.

Trường hợp người dân tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì phải làm gì để được cấp "Hộ chiếu vắc xin"?

Trường hợp người dân tiêm chủng các mũi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì các cơ sở có trách nhiệm ký số chứng nhận, Bộ Y tế sẽ cấp "Hộ chiếu vaccine" bao gồm thông tin các mũi tiêm. Người dân không cần phải làm thủ tục gì thêm.

Quy trình cấp "Hộ chiếu vắc xin"

Theo quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế, quy trình cấp Hộ chiếu vắc xin bao gồm 3 bước:

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng với CSDL quốc gia về dân cư theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Dữ liệu sẽ được đẩy về Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Bước 3: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thực hiện ký số tập trung chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Người dân có thể xem Hộ chiếu vaccine trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC- COVID hoặc tra cứu trên Cổng thông tin do Bộ Y tế công bố trong thời gian tới.

Thời gian dự kiến triển khai cấp hộ chiếu vắc xin trên cả nước là khi nào?

Ngày 8/4/2022, các cơ sở tiêm chủng bắt đầu thực hiện ký số, từ 15/4/2022, Bộ Y tế sẽ thực hiện ký tập trung để cấp "Hộ chiếu vaccine" cho người dân.

Người dân không có/mất chứng nhận tiêm chủng bản giấy có được cấp "Hộ chiếu vắc xin" điện tử không?

Nếu trên hệ thống đã có thông tin tiêm chủng COVID-19 thì người dân sẽ được cấp "Hộ chiếu vắc xin" điện tử mà không cần bản giấy.

Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin điện tử tiêm chủng COVID-19 hoặc ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.

Nắng nóng oi bức, cần bỏ ngay những thói quen sau kẻo sốc nhiệt, đột quỵ
Trẻ bị hậu COVID-19, cần khám lại
Việt Nam vượt mốc 10 triệu người nhiễm COVID-19
Loại gia vị được mệnh danh là Tứ bảo của Đông y, trị bệnh hay dưỡng nhan đều xuất sắc
Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO