Tắt sóng 2G: 400.000 người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ điện thoại

06/12/2023, 12:02

Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy điện thoại để hỗ trợ người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khi Việt Nam tắt sóng 2G.

Đến tháng 9/2026, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc. Tuy vậy, một trong những rào cản lớn nhất khi triển khai tắt sóng 2G là chi phí chuyển đổi thiết bị và các chính sách hỗ trợ nhóm khách hàng yếu thế ở các vùng sâu, vùng xa, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, ông Nguyễn Trọng Tính, để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Viettel đã phủ sóng 4G cho tất cả các khu vực có khách hàng, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. 

Viettel cũng đã cùng các nhà cung cấp dịch vụ khác đưa giá dịch vụ 4G xuống rất thấp, tiệm cận và thậm chí là thấp hơn giá dịch vụ 2G để phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng.

Tuy nhiên, 70% khách hàng dùng 2G là người dân nông thôn. Nhóm khách hàng này có khả năng tiếp cận thông tin thấp, bên cạnh đó là rào cản về thu nhập khi khách hàng phải bỏ tiền để thay thế thiết bị. Đây là khó khăn lớn nhất của các nhà mạng khi triển khai tắt sóng 2G.  

Các thiết bị 2G Only cũ sẽ không còn có thể sử dụng tại Việt Nam sau thời điểm tháng 9/2024.

Tại tọa đàm do CLB nhà báo công nghệ thông tin tổ chức sáng 5/12, các chính sách về mức trợ giá, hỗ trợ thiết bị cho hộ nghèo, người dân vùng sâu vùng xa nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau” là những vấn đề được nhiều nhà báo quan tâm trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tắt sóng 2G. 

Trước các câu hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng, khi xây dựng chính sách, những người yếu thế, đặc biệt là người dân ở các vùng sâu, vùng xa luôn được quan tâm, hỗ trợ. Trên thực tế, điện thoại 2G thường được người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa sử dụng. Họ là những người có lượng tiếp cận thông tin chính sách, công nghệ ít hơn so với nhóm người sống ở khu vực thành thị. 

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Cục Viễn thông rất lưu tâm đến các nhóm người này. Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy điện thoại để hỗ trợ người dùng di động ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Kế hoạch này sẽ được Quỹ Viễn thông công ích triển khai trong thời gian tới. 

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, các nhà mạng hiện đã thống kê số người sử dụng 2G đến từng cấp quận, huyện. Cục Viễn thông sẽ cùng nhà mạng xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ người dùng chuyển đổi thiết bị khi tắt sóng 2G. 

“Ngoài việc hỗ trợ người sử dụng điện thoại tiếp cận với các mẫu smartphone giá rẻ, chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố để huy động thêm nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó là các nguồn từ một số nhà phát triển ứng dụng di động muốn cài đặt sẵn app của mình trên thiết bị”, ông Nhã nói. 

Với những đối tượng không thuộc diện Quỹ Viễn thông công ích hỗ trợ, Cục Viễn thông cũng sẽ lưu ý các địa phương quan tâm, để đảm bảo việc chuyển đổi thiết bị 2G được thực hiện đồng bộ. 

Bên cạnh vấn đề thiết bị, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng lưu ý tới việc đào tạo con người. Theo đó, với những người dùng mới chuyển đổi từ 2G lên 4G, cần đào tạo, huấn luyện họ làm quen với các công nghệ mới.

Họ cũng cần được huấn luyện cách nhận biết các ứng dụng không an toàn, tránh việc bị lừa cài đặt các ứng dụng giả mạo.

Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn người sử dụng chi tiết. Song song với việc chuyển đổi dịch vụ là phải đa dạng hóa hình thức đào tạo, truyền thông để người dùng nắm được các thông tin cần thiết khi chuyển đổi điện thoại của mình. 

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO