Tiềm năng ứng dụng blockchain trong truyền thông chính sách
Trong thời đại phát triển của công nghệ số và Internet, nơi mà sự minh bạch và tính chính xác của thông tin đóng vai trò quan trọng thì sự ra đời blockchain với khả năng cung cấp một hệ thống ghi chép số hóa, mọi dữ liệu và thông tin đều được bảo đảm an toàn, minh bạch và không thể thay đổi. Blockchain đã mở ra một loạt các khả năng ứng dụng mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Việc nghiên cứu tiềm năng của blockchain vào lĩnh vực truyền thông chính sách sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, hứa hẹn tạo sự đột phá trong ứng dụng CNTT hiện đại vào truyền thông chính sách.
ThS. Nguyễn Phương Anh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) cho biết: Blockchain là công nghệ đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn của dữ liệu, từ đó sẽ phục vụ tốt công tác tuyên truyền đến người dân nhằm thay đổi nhận thức và hành vi đúng pháp luật.
“Việc ứng dụng thành công công nghệ này giúp giảm thời gian xử lý thông tin, quản lí và xác thực khai thác thông tin, tiết kiệm được chi phí hành chính, đồng thời hạn chế được một số mặt tiêu cực, giảm bớt nguy cơ thông tin sai lệch hoặc bị xuyên tạc, xây dựng sự đồng thuận xã hội”, ThS. Nguyễn Phương Anh nhấn mạnh.
ThS. Nguyễn Phương Anh cũng cho biết, căn cứ vào các đặc điểm nổi bật của blockchain cùng vai trò và yêu cầu của truyền thông chính sách trong bối cảnh mới hiện nay, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển blockchain. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ blockchain vào truyền thông chính sách ở Việt Nam là hoàn toàn có tiềm năng.
Kết hợp công nghệ blockchain trong truyền thông chính sách sẽ tạo tính minh bạch giúp tăng cường dân chủ. Rất nhiều lĩnh vực đã ứng dụng blockchain để lưu trữ và bảo vệ hồ sơ minh bạch và công khai.
Mỗi giao dịch hoặc hành động trong blockchain được ghi lại trên một sổ cái công khai, tận dụng được ưu điểm tính minh bạch và bảo mật thông tin, khi dữ liệu được ghi vào blockchain, việc thay đổi hoặc chỉnh sửa là không thể, chỉ có cách bổ sung khối mới với các thông tin về điều chỉnh khối cũ.
Tính minh bạch được phát huy trong blockchain sẽ là nền tảng nâng cao tính dân chủ trong truyền thông chính sách. Người dân có thể truy cập và kiểm tra thông tin, giúp quá trình tham gia tiếp nhận thông tin và phản hồi một cách hiệu quả.
“Sự minh bạch này củng cố lòng tin của Nhân dân, giảm thiểu khoảng cách thông tin giữa chủ thể đưa ra chính sách và hưởng chính sách, từ đó giúp tạo ra một quy trình quyết định chính sách trở nên dân chủ hơn”, ThS. Nguyễn Phương Anh chia sẻ.
ThS. Nguyễn Phương Anh cho biết thêm, sự kết hợp công nghệ blockchain trong truyền thông chính sách tạo sự phân quyền và bảo mật cao. Nhờ sự phân quyền này cho phép các cơ quan chức năng có liên quan trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo chính sách ghi nhận và xác minh thông tin mà không cần một bên trung gian. Điều này giúp đảm bảo thông tin về chính sách không bị biến dạng hoặc giữ kín bởi một bên cụ thể nào.
Bên cạnh đó, mô hình phân quyền, làm cho việc tấn công hoặc thay đổi dữ liệu trở nên khó khăn hơn nhiều so với hệ thống tập trung, vì kẻ tấn công sẽ phải thay đổi dữ liệu trên nhiều nút mạng cùng một lúc. Tạo lập một nền tảng truyền thông chính sách an toàn, giảm thiểu các hành động cơ tấn công từ một cá nhân đơn lẻ và đảm bảo bảo mật thông tin.
Sự kết hợp công nghệ blockchain trong truyền thông chính sách còn tạo hiệu quả và tự động hóa, tối ưu hóa thời gian và chi phí, tích hợp dễ dàng với công nghệ khác. Blockchain giúp ghi chép lại thông tin một cách tức thì. Một khi thông tin đã được thêm vào chuỗi, nó không thể thay đổi, giảm bớt thời gian kiểm tra và xác nhận sau này.
Ngoài ra, quá trình xác minh thông qua mạng lưới blockchain xảy ra một cách tự động và song song, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi và gia tăng tốc độ xử lý. Một trong những đặc điểm của công nghệ này khi ứng dụng vào quản trị là khả năng vận hành độc lập, không phụ thuộc vào bên trung gian, giúp tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu suất. Sự tiết kiệm chi phí cùng với hiệu quả cao thúc đẩy sự chấp thuận từ phía các cơ quan quản lý.
“Công nghệ blockchain có khả năng tương thích và tích hợp với nhiều công nghệ khác như Internet kết nối vạn vất (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data). Tạo lập hệ thống truyền thông chính sách hiện đại, tự động, tối ưu hóa thông qua sự kết hợp của nhiều công nghệ”, ThS. Nguyễn Phương Anh cho hay.
Những yêu cầu, thách thức ứng dụng blockchain trong truyền thông chính sách
Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Phương Anh, việc ứng dụng blockchain khi chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam cùng với đó là áp dụng vào lĩnh vực mới cũng đặt ra những yêu cầu cơ bản để có thể mang tính khả thi trong thực hiện, cụ thể:
Thứ nhất, năng lực và trình độ của đội ngũ truyền thông chính sách và đặc biệt là thiếu hụt lớn đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT hiện đại và ứng dụng blockchain.
Việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ thị đòi hỏi yêu cầu đội ngũ phụ trách công tác truyền thông chính sách luôn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm bố trí các khóa học nâng cao, cập nhập kiến thức CNTT nhằm nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ...
“Thời điểm hiện tại, ở Việt Nam chưa có nhiều trường đại học xây dựng và phát triển chương trình đào tạo nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực blockchain. Bởi vậy, cần phải thiết lập và hoàn thiện hệ thống đào tạo, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức đào tạo. Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhóm nhân tài lãnh đạo và dẫn dắt đổi mới cấp cao, nhất là trong các ngành, lĩnh vực gắn với tiềm năng, thế mạnh của công nghệ chuỗi khối”, ThS. Nguyễn Phương Anh nhấn mạnh.
Thứ hai, chi phí thiết lập đầu tư ban đầu cho blockchain là một trong những vấn đề lớn nhất, như: cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm và đặc biệt là yêu cầu đầu tư chi phí cho đào tạo nhân lực.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và hiểu biết về nền công nghệ blockchain cho chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
“Hiện nay, đối tượng nắm bắt công nghệ này còn rất khiêm tốn, cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân thấy được các ưu điểm của blockchain, từ đó tin tưởng vào công nghệ này, tin tưởng và việc ứng dụng trong truyền thông chính sách, giúp các nội dung triển khai, chiến lược của Chính phủ, Nhà nước được đồng tình ủng hộ và hiện thực hóa”, ThS. Nguyễn Phương Anh đề xuất./.