“Rốt ráo” tạo điều kiện cho thanh toán không dùng tiền mặt

03/07/2021, 10:22

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sắp hoàn thành Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025. Ngành ngân hàng cũng đẩy mạnh kết nối với Bộ Công an để khai thác cơ sở dữ liệu công dân hỗ trợ việc triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử. Đây là một trong nhiều hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code tăng mạnh về số lượng và giá trị giao dịch. Ảnh: Nhã Chi

Số liệu từ NHNN cho biết, đến nay, cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. So với 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch thanh toán qua Internet tăng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 95,7% về số lượng; 181,5% về giá trị.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết, trong tháng 6, cơ quan này tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ. Trong đó, tập trung triển khai các quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-money).

Đồng thời, triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, góp phần thúc đẩy TTKDTM, tài chính toàn diện.

Về định danh khách hàng điện tử (eKyc) - “cửa ngõ” để thực hiện chuyển đổi số ngành ngân hàng, theo ông Dũng, Thông tư số 16/2020/TT-NHNN (có hiệu lực từ 5/3/2021) bổ sung quy định, hướng dẫn về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Từ khi triển khai đến nay có khoảng 340 nghìn tài khoản ngân hàng được mở mới bằng eKyc.

Khi triển khai eKyc, do chưa kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân nên 100% các ngân hàng triển khai eKyc đều thiết lập bộ phận hậu kiểm để kiểm tra toàn bộ dữ liệu thu thập bằng điện tử.

Để đẩy mạnh triển khai hình thức này, các ngân hàng thương mại đã chủ động làm việc với các đơn vị của Bộ Công an để kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân, tạo thuận lợi cho việc áp dụng eKyc.

“Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực thực hiện kế hoạch chuyển đổi số với rất nhiều mục tiêu cụ thể được đặt ra tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phương châm chỉ đạo trong hoạt động thanh toán là tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO