“Mỗi khi ra đường có thể quên ví, chứ không thể quên điện thoại di động”, đó chia sẻ của không ít người trong thời đại công nghệ số bùng nổ. Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 khiến các hình thức thanh toán không tiếp xúc, xác minh thông tin qua mã QR phát triển mạnh. Chiếc điện thoại thông minh giờ đây không chỉ đóng vai trò ví điện tử, lưu trữ thông tin khai báo y tế trực tuyến, Hộ chiếc vaccine mà còn có thể sử dụng như giấy phép lái xe (GPLX) hợp lệ.
Tại New South Wales, tiểu bang có dân số đông nhất Australia, đang thúc đẩy nhanh tiến trình số hóa bằng lái. Chính quyền New South Wales cho biết, người dân ngày càng ưa chuộng giấy phép lái xe kỹ thuật số hơn loại thẻ nhựa truyền thống.
Ra đời từ cuối năm 2019, giấy phép lái xe kỹ thuật số (Digital Driver License) là phiên bản điện tử của bằng lái xe thông thường, được cấp miễn phí cho tất cả tài xế thông qua ứng dụng Service NSW.
Ngoài việc cho phép cảnh sát xác minh danh tính tài xế, truy cập lịch sử tham gia giao thông, bằng lái kỹ thuật số còn có thể thay thế cho nhiều loại giấy tờ, thậm chí chứng minh độ tuổi người dùng tại các cửa hàng tiện lợi để mua rượu hay thuốc lá.
Đơn vị phát triển bằng lái điện tử ban đầu dự đoán, năm đầu tiên chỉ có khoảng 745.000 tài xế (12%) tải ứng dụng xuống điện thoại. Tuy nhiên sau hơn 1 năm, số người dùng đã vượt qua những tính toán lạc quan nhất. Tính đến giữa tháng 6/2021, có hơn 5 triệu người ở New South Wales tải ứng dụng, chiếm 53% số tài xế được cấp bằng lái.
Ông Victor Dominello Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Khách hàng bang New South Wales nhận định: “Đây là thông tin tuyệt vời. Chúng tôi muốn nâng cao chất lượng cuộc sống và công nghệ là một phần của giải pháp. Bằng lái xe kỹ thuật số còn có thể phát triển thành ví kỹ thuật số, cung cấp khả năng truy cập nhanh chóng, dễ dàng vào hàng loạt dich vụ khác cũng như thay thế các loại giấy tờ”
Theo các chuyên gia, New South Wales đã tận dụng rất tốt tác động từ đại dịch Covid-19 để nhanh chóng triển khai ứng dụng giấy phép lái xe có công nghệ tiên tiến hàng đầu Australia, trong khi các tiểu bang khác vẫn đang trong quá trình thử nghiệm hoặc lên kế hoạch chuyển đổi. Bài học thành công của New South Wales sẽ là động lực cho nhiều nơi khác học hỏi.
Mới đây, chính quyền bang Queensland cho biết, đã trao cho công ty Thales của Pháp hợp đồng thiết kế, phát triển và cung cấp ứng dụng giấy phép lái xe kỹ thuật số của riêng mình.
Không chỉ Australia, số hóa bằng lái cũng là xu thế đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai. Tại Hàn Quốc, 3 tập đoàn viễn thông bao gồm SK Telecom, KT và LG Uplus phối hợp cùng Cơ quan cảnh sát nước này phát triển giấy phép lái xe kỹ thuật số tích hợp trên phần mềm PASS, một ứng dụng xác thực giao dịch tài chính di động khá phổ biến.
Nhà chức trách khẳng định, giấy phép lái xe kỹ thuật số sẽ được cảnh sát chấp nhận như một hình thức xác minh danh tính phù hợp. Ngoài ra, tính năng nâng cao còn cho phép người dân gia hạn giấy phép lái xe ngay trên ứng dụng.
Ông Kim Jong Min, đại diện tập đoàn SK Telecom nói về tính bảo mật của bằng lái kỹ thuật số: “Người dùng chỉ có thể sử dụng một điện thoại để đăng ký bằng lái điện tử. Công nghệ bảo mật cao sẽ đảm bảo chống giả mạo và mất cắp dữ liệu”.
Theo thống kê, ứng dụng PASS hiện có tới 25 triệu người dùng tại Hàn Quốc, chủ yếu là các thuê bao từ 3 tập đoàn viễn thông SK Telecom, KT và LG Uplus.
Ông Oh Se-hyeon, Phó chủ tịch, kiêm người đứng đầu hệ thống bảo mật tại SK Telecom cho biết, ứng dụng PASS có vai trò như một ví điện tử, ngoài tiền mặt, các thông tin cá nhân cũng được gói gọn trong một chiếc điện thoại di động. Sắp tới SK Telecom sẽ phối hợp cùng các tổ chức doanh nghiệp thúc đẩy sử dụng PASS trong các dịch vụ trực tuyến, vốn ngày càng phổ biến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Số hóa bằng lái đang là xu thế tại nhiều quốc gia và Việt Nam cũng cần nghiên cứu triển khai. Nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Lê Bình, Chuyên gia giao thông tới từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định: “Chúng ta biết các ứng dụng sử dụng trên điện thoại có tốc độ phổ biến rất nhanh tại Việt Nam, và đặc biệt những người lái ô tô hầu hết đều có điện thoại thông minh.
Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất trên điện thoại mà không cần tiếp xúc cũng là triển vọng rất hay. Tôi nghĩ rằng khi đưa vào áp dụng cũng phần nào giúp giảm thiểu rủi ro khi tiếp xúc giữa lái xe và lực lượng CSGT, từ đó giảm rủi ro lây truyền COVID-19 trong tình hình bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam”.