“Quy tắc 3T” giúp cha mẹ cải thiện tình trạng trẻ nghiện game

14/11/2022, 09:36

Tấm gương đầu tiên, tăng thời gian bên con và hoạt động thể chất, thảo luận cùng con là 3 quy tắc giúp cha mẹ ngăn ngừa, cải thiện tình trạng trẻ nghiện game.

Trò chơi điện tử (game) là “món ăn tinh thần” của thời công nghệ số. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, không làm chủ được thời gian chơi game sẽ dẫn đến nghiện game. Tình trạng này khiến người chơi, đặc biệt là trẻ em dễ rơi vào trạng thái mê muội. Một khi trẻ dành quá nhiều thời gian cho game sẽ không có cơ hội tương tác cần thiết trong cuộc sống để hình thành nhân cách.

Cha mẹ cũng nên chọn sử dụng giải pháp công nghệ hỗ trợ quản lý thời gian trẻ sử dụng các thiết bị kỹ thuật số.

Các chuyên gia Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho hay, việc nghiện game có thể gây ra những hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của trẻ em.

Có thể kể đến một số hệ lụy khi trẻ nghiện game như: sa sút về thể lực và tinh thần, giảm trí nhớ, bỏ bê việc học hành đặc biệt là không kiểm soát được hành vi của bản thân, cảm xúc dễ bị biến đổi, bồn chồn, hay cáu kỉnh, xuất hiện những triệu chứng rối loạn, mất ngủ, chán ăn, ăn ít, sức khỏe giảm sút…

4 dấu hiệu để xác định trẻ em có bị nghiện game hay không.

Cùng với việc chỉ ra những dấu hiệu để xác định việc nghiện game ở trẻ em, các chuyên gia Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng khuyến nghị “quy tắc 3T” giúp cha mẹ có thể ngăn ngừa và cải thiện tình trạng nghiện game ở trẻ em, đó là tấm gương đầu tiên, tăng thời gian ở bên con và hoạt động thể chất, thảo luận cùng con.

Cụ thể, trước tiên cha mẹ hãy là một tấm gương để trẻ em noi theo trong việc sử dụng thiết bị số. Đơn cử như, nếu muốn trẻ vận động thể chất không chơi game thì phụ huynh phải là người cũng có các hoạt động thể chất, vận động trẻ cùng tham gia. Hay muốn trẻ không dành nhiều thời gian chơi game dẫn đến nghiện thì chính cha mẹ phải là người như vậy.

Muốn trẻ không dành nhiều thời gian chơi game dẫn đến nghiện thì chính cha mẹ cũng phải là người như vậy.

Việc tăng thời gian ở bên con và hoạt động thể chất cũng là yếu tố hỗ trợ cải thiện tình trạng nghiện game ở trẻ. Vì thế, cha mẹ cần dành nhiều thời gian ở bên, chơi với trẻ để hiểu tâm tư nguyện vọng của con mình.

“Hơn ai hết cha mẹ chính là người có thể gần gũi và đồng hành cùng với trẻ nhiều nhất. Cha mẹ hãy duy trì việc ở bên cạnh trẻ để cùng tham gia những hoạt động thể thao hoặc cũng có thể đưa trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện, hỏi han về cuộc sống để thấu hiểu suy nghĩ và tâm tư nguyện vọng của trẻ, giúp trẻ tránh sa đà vào những thứ tiêu cực”, chuyên gia Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng lý giải.

Cùng với đó, cha mẹ cần thảo luận với trẻ về những điều phải lưu ý và đưa ra quy định rõ ràng về thời gian sử dụng thiết bị kỹ thuật số, thời gian dành cho game.

Chơi game cũng được coi như một hình thức giải trí, vì vậy trẻ có thể giải trí thông qua việc chơi game nhưng không được vượt quá 1 tiếng/ngày và không nên chơi những game có tính chất bạo lực, cực đoan, vượt quá giới hạn về độ tuổi để tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.

Cha mẹ có thể coi chơi game là phần thưởng mỗi khi trẻ làm xong bài tập, làm hết việc nhà. Cần phân tích cho trẻ hiểu rằng trẻ có thể giải trí bằng những game lành mạnh nhưng không nên dành quá nhiều thời gian. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên lựa chọn sử dụng giải pháp công nghệ hỗ trợ quản lý thời gian trẻ sử dụng thiết bị kỹ thuật số.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO