Quảng Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện

22/10/2021, 09:43

Chuyển đổi số toàn diện được Quảng Ninh xác định là một trong những đề án trọng điểm, với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện. Với việc xác lập những mục tiêu rõ ràng, cụ thể, địa phương này đang ráo riết hoàn thiện đề án với hàng loạt hành động sát sườn.

Phát triển kinh tế - xã hội, đem lại giá trị thiết thực cho người dân

Đề án chuyển đổi số toàn diện được Quảng Ninh xây dựng dựa trên những thành quả đã đạt được của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Thực tế, 3 năm gần nhất, Quảng Ninh nằm trong nhóm 3 địa phương đứng đầu về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2020, tỉnh này cũng dẫn đầu cả nước ở các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước.

Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp nối những thành công bước đầu này, Quảng Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện với 3 trục chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thông qua việc tận dụng công nghệ một cách hiệu quả, Quảng Ninh mong muốn đẩy nhanh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, hướng đến quản trị dựa trên dữ liệu số, từ đó tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số toàn diện là bước đầu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030.

Khi công nghệ đi sâu vào các ngành, địa phương và doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của tỉnh tăng cao, Quảng Ninh sẽ có nền tảng vững chắc để trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, hướng đến mục tiêu là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030.

Nhưng trên tất cả, lãnh đạo tỉnh luôn xác định chuyển đổi số là để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Một Quảng Ninh văn minh, giàu mạnh sẽ là môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống với những giá trị thiết thực cho người dân.

Hiện tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện đề án chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Dự kiến đề án sẽ được hoàn thành và tiến hành triển khai trong năm nay.

Để đề án sát sườn, khả thi

Để đề án thực sự có hiệu quả, yêu cầu lớn nhất là phải được xây dựng dựa trên tình hình thực tiễn và nguồn lực của tỉnh. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát tổng thể về hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, cũng như chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở các cấp.

Qua đó, tỉnh có thể đánh giá thực tế những lợi thế và hạn chế đang có, làm cơ sở để đề xuất mô hình, giải pháp và các nhiệm vụ cụ thể để thực thi hiệu quả.

Camera giám sát tại ngã 4 TP Hạ Long truyền dữ liệu về trung tâm điều hành thành phố thông minh.

Trước mắt, Quảng Ninh xác định phải tập trung hoàn thiện chính quyền số qua việc ưu tiên xây dựng dữ liệu nền tảng. Đặc biệt, chính quyền số cần gắn chặt với cải cách hành chính, đổi mới phương thức phục vụ người dân và doanh nghiệp, như thiết lập hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị dễ dàng truy cập cho cả các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở.

Đồng thời, tỉnh cũng đang thí điểm mô hình chuyển đổi số ở huyện đảo Cô Tô nhằm đúc rút kinh nghiệm, ưu nhược điểm để đảm bảo tính khả thi cho đề án chuyển đổi số toàn diện khắp tỉnh. Theo đó, huyện Cô Tô, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) phối hợp các công ty, tập đoàn công nghệ tập trung nâng cấp hạ tầng viễn thông theo hướng hiện đại, đưa Internet băng thông rộng đến từng hộ gia đình, xóa toàn bộ điểm lõm di động, cải thiện chất lượng mạng 4G.

Quảng Ninh thí điểm mô hình chuyển đổi số ở huyện đảo Cô Tô.

Mô hình cũng triển khai xây dựng trung tâm giám sát điều hành thông minh, hệ thống camera giám sát và chấm công tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại trụ sở huyện ủy, UBND và trung tâm hành chính công huyện; xây dựng mô hình truyền thanh ứng dụng CNTT và truyền thông, hệ sinh thái du lịch số và dịch vụ y tế, giáo dục số... Bên cạnh các lợi ích bước đầu như người dân huyện đảo có thể tiếp cận dịch vụ khám bệnh chất lượng cao, học tập và dự các kỳ thi trực tuyến thì các sản phẩm địa phương cũng đã lên sàn thương mại điện tử góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt...

Từ mô hình huyện chuyển đổi số tại Cô Tô, tỉnh sẽ rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện Đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Mặt khác, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các ngành liên quan cũng đã và đang tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành.

Gần nhất là cuộc họp do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức ngày 23/9, thống nhất quan điểm kế thừa các đề án, chương trình trước đây làm cơ sở phát triển giai đoạn mới phù hợp với mục tiêu, nhu cầu sử dụng.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO