Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định tham gia diễn tập đảm bảo an toàn thông tin an ninh mạng. |
Thời gian qua, các ngành, địa phương đã nỗ lực hoàn thành cung cấp tối đa 100% TTHC của tỉnh ở mức độ 4 và hoàn thiện, nâng cấp chức năng thanh toán trực tuyến, lưu trữ điện tử, kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân, ký số điện tử kết quả TTHC. Do đó, số lượng hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 4 được các cơ quan Nhà nước (ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) tiếp nhận và giải quyết trên Cổng cung cấp Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (DVCTT) tăng mạnh ở hầu hết các lĩnh vực. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai việc trả kết quả TTHC bằng kết quả điện tử thay cho việc trả văn bản giấy. Theo đó, khi người dân, doanh nghiệp đăng ký giải quyết TTHC ở mức độ 3, 4 qua Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh sẽ được nhân viên chuyên trách lĩnh vực kiểm tra danh tính số thông qua mã định danh của tổ chức, cá nhân. Trường hợp chưa có danh tính số sẽ được hướng dẫn thực hiện hoặc cấp tài khoản trên Cổng cung cấp DVCTT quốc gia. Đồng thời thực hiện kiểm tra dữ liệu điện tử, phân loại các thành phần hồ sơ TTHC và chuyển hồ sơ theo quy trình giải quyết TTHC thông thường. Kết quả giải quyết TTHC bằng văn bản điện tử có giá trị tương đương bản giấy, được trả cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp tại kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân trên Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh và qua email cá nhân. Trong trường hợp người dân, doanh nghiệp cần trả kết quả bằng văn bản giấy thì đăng ký thực hiện trong quá trình nộp hồ sơ trực tuyến và được khuyến khích sử dụng dịch vụ Bưu điện. Thực hiện việc trả kết quả giải quyết TTHC bằng bản điện tử là hướng đến mục tiêu người dân không phải đến cơ quan chức năng để giải quyết TTHC; minh bạch hóa công tác giải quyết TTHC, góp phần quan trọng vào việc số hóa hồ sơ cá nhân để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu dân cư; hạn chế tối đa chi phí quản lý hồ sơ, văn phòng phẩm, chi phí đi lại, dịch vụ chuyển, nhận kết quả và đặc biệt là hạn chế tiếp xúc trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 10 sở, ngành và 5 huyện, thành phố thực hiện trả kết quả giải quyết TTHC bằng bản điện tử. Trong đó, Sở TT và TT trả kết quả điện tử đối với 41 TTHC, Sở Tài chính trả 31 TTHC, thành phố Nam Định trả 22 TTHC… Đây là con số quá nhỏ so với khoảng 5.000 hồ sơ TTHC mức độ 4 của người dân, doanh nghiệp cần giải quyết mỗi tháng trên Cổng cung cấp DVCTT. Trong đó loại trừ những thủ tục có tính ràng buộc pháp lý cao cần sử dụng văn bản giấy để thuận tiện trong giao dịch như thủ tục khai sinh, đăng ký kết hôn, giấy tờ nhà đất thì còn có rất nhiều TTHC áp dụng trả kết quả bằng bản điện tử rất tiện ích như: Thông báo khuyến mại, thông báo hợp đồng mẫu (thuộc lĩnh vực ngành công thương); Giấy phép xây dựng (lĩnh vực xây dựng); thông báo giá (lĩnh vực tài chính)… chỉ có giá trị tại từng thời điểm hoặc chỉ là cơ sở để thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước hoặc để hoàn thiện hồ sơ đối với các hợp đồng giao dịch. Theo đại diện Sở TT và TT, lợi ích của việc trả kết quả giải quyết TTHC bằng bản điện tử đã được khẳng định; cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc nhưng việc áp dụng chưa nhiều bởi một số nguyên nhân: Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và có cài đặt ứng dụng công nghệ như email, zalo để gửi nhận kết quả chưa nhiều. Tâm lý người dân còn dè dặt chưa thật tin tưởng khi nhận kết quả giải quyết TTHC bằng bản điện tử; một số địa phương chưa thực hiện đồng bộ chữ ký số với Cổng cung cấp DVCTT; vẫn còn một số đơn vị chưa chấp nhận kết quả giải quyết TTHC bằng bản điện tử khi không có văn bản giấy đi kèm…
Để các ngành chức năng, địa phương, người dân tích cực tham gia, tăng nhanh số lượng trả kết quả giải quyết TTHC được trả bằng bản điện tử, Sở TT và TT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về việc triển khai, lợi ích khi trả, nhận kết quả giải quyết TTHC bằng bản điện tử và lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh. Đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng ký số trên Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh để hoàn thiện quy trình trả kết quả giải quyết TTHC bản điện tử. Tăng cường công tác bảo mật nội dung thông tin khi gửi nhận kết quả giải quyết TTHC bằng bản điện tử qua mạng internet. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ việc số hóa, cập nhật dữ liệu, duy trì, vận hành Kho quản lý dữ liệu kết quả giải quyết TTHC điện tử trên Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh, hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, xác định các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết mà kết quả giải quyết trả bằng văn bản điện tử vẫn đủ điều kiện pháp lý tương đương văn bản giấy. Lập danh mục TTHC thực hiện trả kết quả giải quyết bằng bản điện tử thay thế văn bản giấy, tổ chức thông báo cho người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan biết để triển khai thực hiện. Hướng dẫn người dân nhận kết quả giải quyết TTHC bản điện tử trên môi trường internet như: Qua Kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân trên Cổng cung cấp DVCTT, email…
Với các giải pháp kể trên, toàn tỉnh phấn đấu giai đoạn 2022-2025, 100% giao dịch phát sinh trên Hệ thống cung cấp DVCTT của tỉnh được xác thực kết quả bằng bản điện tử./.