Quảng Nam: Hình thành môi trường thuận lợi phát triển CNTT và truyền thông vùng dân tộc thiểu số

Bình Minh | 11/10/2021, 20:53

Việc tích cực triển khai Quyết định số 414/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025” đã giúp tỉnh Quảng Nam hình thành môi trường thuận lợi phát triển CNTT và truyền thông trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng DTTS nói riêng.

Người dân vùng dân tộc được cán bộ y tế hướng dẫn sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để tìm hiểu thông tin về y tế. (Ảnh minh họa: Internet)

Những năm qua, công tác ứng dụng và phát triển CNTT tại tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hiện đại hóa nền hành chính trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc ứng dụng CNTT gắn kết với cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS.

Tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành ứng dụng "Smart Quảng Nam" dành cho người dân sử dụng trên các thiết bị di động, kết nối người dân với chính quyền được UBND tỉnh quan tâm, đầu tư và phát triển. Thông tin được cung cấp trên ứng dụng "Smart Quảng Nam" là thông tin chính thống được cung cấp từ UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành của tỉnh. Cung cấp các tiện ích số dành cho người dân Quảng Nam: thông báo của chính quyền các cấp; dịch vụ công; tra cứu, thanh toán các dịch vụ thiết yếu điện, nước, viễn thông; điểm tin nông nghiệp; thông tin về các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, môi trường,... Ban hành quy trình nhắn tin SMS phòng, chống thiên tai đến người dân trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh phổ biến, cập nhật thông tin chỉ đạo, điều hành về công tác phòng, chống thiên tai đối với toàn dân. Trong đó, có đồng bào DTTS để người dân khu vực này theo dõi, phục vụ hỗ trợ mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Thực tế, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc. Trong đó, về hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet, đến nay, sóng thông tin di động đã phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đường truyền cáp quang 96% số xã. Về hạ tầng công nghệ thông tin, dù chưa đồng bộ ở một số xã, huyện miền núi nhưng đến nay, hầu hết các đơn vị đều có hệ thống mạng nội bộ (mạng LAN), kết nối Internet băng thông rộng, hệ thống mạng, thiết bị tin học, máy tính làm việc đã có ở nhiều xã, huyện miền núi.

Về đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Nam thường xuyên mở các lớp nâng cao năng lực ứng dụng CNTT với các nội dung đào tạo, tập huấn về: vận hành và sử dụng các hệ thống ứng dụng dùng chung.

Quản lý dạng thông tin dữ liệu chi tiết đến từng hộ gia đình, thôn, xã vùng dân tộc

Việc triển khai hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc cũng đem lại kết quả đáng chú ý. Từ năm 2019, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương và bố trí kinh phí xây dựng "Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Quảng Nam". Đến nay, Ban Dân tộc tỉnh cùng các cơ quan liên quan đã hoàn thành phần mềm và tổ chức tập huấn điều tra, thu thập thông tin và hướng dẫn khai thác sử dụng. Các địa phương đang thu thập thông tin dữ liệu để cập nhật vào hệ thống đưa vào sử dụng.

Đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu chức năng, tính năng hệ thống tại các Văn bản số 650/UBDT-TTTT, số 935/UBDT-TTT và các văn bản có liên quan khác của Ủy ban Dân tộc cho thấy, tính năng phần mềm đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật theo yêu cầu. Phần mềm được cài đặt tại trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh nên đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về bảo mật và an toàn thông tin.

Trong khi đó, chức năng phần mềm, do đặc thù quản lý của địa phương nên phần mềm phát triển theo hướng quản lý dạng thông tin dữ liệu chi tiết đến từng hộ gia đình, thôn, xã vùng dân tộc thay vì dạng quản lý chỉ tiêu. Dù chưa xây dựng được hệ thống thông tin địa lý (GIS) nhưng phần mềm xây dựng đáp ứng theo khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam, tích hợp hệ thống xác thực số và sử dụng danh mục dùng chung trên LGSP của tỉnh.

Thực tế đánh giá về việc đảm bảo tính kết nối, liên thông đến hệ thống thông tin dữ liệu công tác dân tộc toàn quốc tại Ủy ban Dân tộc cũng cho thấy, phần mềm tại tỉnh Quảng Nam được xây dựng theo mô hình hướng dịch vụ (SOA) có thể đảm bảo kết nối, tích hợp với các hệ thống chia sẻ dữ liệu khác. Việc tổ chức khai thác dữ liệu về DTTS từ kết quả điều tra thu thập thông tin tình hình kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 tích hợp trên phần mêm báo cáo thống kê công tác dân tộc có thể được khai thác tốt...

Đồng bào dân tộc thụ hưởng các thông tin đời sống xã hội trên nền tảng CNTT - truyền thông

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án về CNTT đã được ban hành và tổ chức thực hiện. Qua đó, bước đầu tạo lập được các nền tảng cho hạ tầng kỹ thuật, các ứng dụng, dịch vụ và phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung,... hình thành môi trường thuận lợi cho phát triển CNTT và truyền thông trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh việc khai thác ứng dụng CNTT, dịch vụ CNTT, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và tập huấn đào tạo nhân lực CNTT trong từng lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương. Qua đó, thông tin, hỗ trợ, tư vấn người dân tiếp cận được các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đồng bào DTTS được tiếp cận và thụ hưởng ngày càng đầy đủ hơn các thông tin về các lĩnh vực đời sống xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, thị trường,... dựa trên nền tảng CNTT - truyền thông. Từ đó, phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành trong hệ thống chính trị của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam.

Dù vậy, tỉnh miền Trung cũng thẳn thắn nhìn nhận, việc đưa vào khai thác, vận hành sử dụng, ứng dụng, dịch vụ CNTT tại một số địa phương vùng DTTS và miền núi của tỉnh còn không ít hạn chế, chưa đồng bộ, song hành kịp thời so với vùng đồng bằng; tỷ lệ người dân có máy vi tính, sử dụng điện thoại thông minh để tìm kiếm, khai thác thông tin từ Internet, mạng xã hội, báo điện tử.... còn thấp; đa số người dân, nhất là khu vực miền núi và đồng bào DTTS còn chưa quan tâm, sử dụng dịch vụ công trực tuyến do đã quen với hình thức nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả các cấp...

UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất, Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ phát đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025" cơ bản trùng với nội dung hợp phần "Ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi" thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 10 của Đề án tổng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, kiến nghị tích hợp vào nội dung của Đề án để tránh trùng lắp và thuận lợi cho địa phương trong triển khai, cân đối, bố trí các nguồn lực để thực hiện.

Về Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc, hiện nay phần mềm đã được kết nối vào hệ thống LGSP của tỉnh Quảng Nam, đề nghị Ủy ban Dân tộc xây dựng kết nối, chia sẻ dữ liệu qua hệ thống NGSP của Quốc gia để hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Quảng Nam thuận tiện trong việc kết nối và chia sẻ, đảm bảo khung kiến trúc Chính phủ điện tử.

Theo Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông:

- LGSP: là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, cấp tỉnh chứa các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi một Bộ, ngành, địa phương và đóng vai trò trung gian phục vụ kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ của Bộ, ngành, địa phương với các hệ thống bên ngoài; mô hình kết nối của LGSP theo kiến trúc Chính phủ điện tử của cơ quan cấp Bộ chủ quản hoặc kiến trúc chính quyền điện tử của cơ quan cấp tỉnh chủ quản phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

- NGSP: là hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; đóng vai trò trung gian phục vụ kết nối giữa các hệ thống thông tin lớn (hệ thống thông tin quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia; hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương), giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan cấp Bộ, cấp tỉnh khác nhau hoặc giữa các LGSP; mô hình kết nối của NGSP theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO