Theo Fortune, hacker đã chiếm đoạt nhiều tài khoản Twitter, trong đó có một số tài khoản có dấu tích xanh. Chúng sau đó thay hình đại diện với hình ảnh NFT Moonbirds, đăng bài viết mời gọi tham gia nhận NFT này bằng hình thức xổ số. Để tăng khả năng thành công, kẻ tấn công còn gắn thẻ hàng loạt người trong danh sách bạn bè.
Trong các bài viết, hacker đính kèm liên kết dẫn đến website mạo danh hoặc phần mềm độc hại. Nếu nạn nhân nhấp vào link hoặc kết nối ví tiền số với website đó, họ có thể mất toàn bộ số tiền điện tử, hoặc bị cài mã độc tống tiền lên thiết bị.
Một trong những tài khoản có"tích xanh mà kẻ lừa đảo nhắm mục tiêu là Levi Sanders, con trai của Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders. Sau khi chiếm thành công, hacker đổi tên tài khoản cá nhân này thành Moonbirds, thay hình đại diện và đăng loạt tweet kêu gọi tham gia trúng thưởng NFT. Sanders phải mất nhiều tiếng sau đó mới có thể giành lại quyền kiểm soát tài khoản.
Trên Twitter, hành vi lừa đảo này được đề cập nhiều đến mức trong ngày 19/4, hashtag #hack_moonbirds đã nằm trong top chủ đề thịnh hành. Mạng xã hội sau đó cho biết "đã nhận thức được các vụ lừa đảo và đang tích cực tìm ra giải pháp ngăn chặn".
Ban lãnh đạo Proof Collective, công ty đứng sau dự án Moonbirds, cũng gửi cảnh báo đến người dùng. "Những kẻ lừa đảo đang cố chiếm đoạt hoặc mua lại các tài khoản Twitter có nhiều người theo dõi hoặc đã được xác minh, sau đó dụ dỗ người chơi kết nối ví tiền số và chiếm đoạt tiền", Justin Mezzell, đồng sáng lập kiêm Giám đốc sản phẩm của Proof Collective, viết trên Twitter kèm danh sách một số tài khoản nghi vấn. "Hãy chặn hoặc báo cáo nếu bạn thấy nó".
Tài khoản Twitter của Moonbirds cũng khuyến cáo về tình trạng lừa đảo, đồng thời lưu ý dự án không có kênh Instagram, Discord.
Moonbirds là bộ sưu tập với 10.000 NFT hình chim cú dạng pixel. Ra mắt ngày 16/4, NFT này nhanh chóng được bán hết chỉ trong vài tiếng, thu về 281 triệu USD. Đây cũng là một trong những bộ NFT thành công nhất bên cạnh Azuki, Bored Ape Yacht Club và CryptoPunks.
Sự quan tâm đến bộ sưu tập cao một phần là nhờ nhóm Proof Collective. Đội ngũ này tập hợp hàng loạt nghệ sĩ NFT nổi tiếng, nhất là Mike Winkelmann - người có biệt danh Beeple và từng bán ảnh ghép dưới dạng NFT giá 69 triệu USD. Ngoài ra, Gary Vaynerchuk, Kevin Rose và Justin Mezzell cũng rất nổi tiếng trong giới NFT.
Dù thu hút chú ý, Moonbirds cũng gây tranh cãi. Bộ sưu tập này được bán dưới dạng ngẫu nhiên, tùy thuộc vào độ may mắn của người chơi. Theo CoinDesk, một số người tố Proof Collective đã cố ý sử dụng bot để thao túng giá, cũng như tìm cách dùng "người nhà" để mua các NFT hiếm, sau đó bán kiếm lời. Đội ngũ phía sau không đưa ra bình luận.
Bảo Lâm