Nạn quay lén đằng sau video livestream đường phố ở Trung Quốc

06/01/2022, 10:39

Trong buổi livestream đường phố, khi bị máy quay chĩa vào, dù từ chối trả lời thì người qua đường cũng đã lên sóng. Điều này bị cho là xâm phạm trắng trợn quyền riêng tư cá nhân.

"Tôi thích cái quần jeans của cô gái đó, các bạn thấy sao? Tôi sẽ tiến đến gần hơn để quay cho các bạn nhìn rõ nhé", đó là một trong những nội dung livestream phổ biến trên nền tảng ở Trung Quốc.

Nhiều cô gái không hề biết mình đang bị quay lén, giễu cợt bởi hàng nghìn người xem.

Trong khi một số streamer có thể tiến tới bắt chuyện với nhân vật, nhiều người khác chỉ quay lén từ xa và soi mói ngoại hình hay trang phục của người đi đường nhằm thỏa mãn người xem.

The Paper đưa tin thời gian gần đây, nhiều nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc rộ lên trào lưu "livestream trò chuyện trực tiếp" - vlogger sẽ quay lén hoặc bắt chuyện ngẫu nhiên với những người đi đường và phát sóng toàn bộ quá trình đó.

Livestream trò chuyện với người đi đường là trào lưu trên nhiều nền tảng phát sóng tại Trung Quốc.

Khi một người lạ bị máy quay của streamer chĩa vào, dù có từ chối trả lời thì họ cũng đã lên sóng vì đó là một chương trình phát trực tiếp. Thậm chí khi người đi đường đã dứt khoát từ chối vẫn bị chụp hình lại.

Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, nhiều streamer đã bất chấp lợi dụng người qua đường như một cách để làm nội dung nhằm câu kéo người theo dõi.

Vi phạm trắng trợn quyền riêng tư

Tháng 12/2021, đài truyền hình CCTV đã có một phóng sự về một streamer có hành vi bị cho là quấy rối tình dục trong lúc phỏng vấn người đi đường.

Cụ thể, một anh chàng đã phát livestream trò chuyện với người qua đường và lựa chọn những cô gái xinh đẹp để phỏng vấn. Trong quá trình đó, nam streamer có hành vi đụng chạm với các nhân vật.

Nhiều người dù đã từ chối vẫn bị quay video livestream.

Luật Bảo vệ thông tin cá nhân của Trung Quốc được chính thức thực thi khiến những vấn đề phía sau các buổi "trò chuyện trực tiếp" cũng bị luật pháp quản lý, ví dụ như việc quyền riêng tư của những người xuất hiện trong video có được bảo vệ không.

Hành động phát sóng trực tiếp hình ảnh của người đi đường khi chưa được sự đồng ý của họ là vi phạm quyền riêng tư.

Theo Zhang Xinbao, giáo sư Trường Luật ĐH Nhân dân Trung Hoa, nó không chỉ bao gồm thu thập, truyền tải và tiết lộ thông tin cá nhân nói chung, mà còn liên quan đến việc xử lý thông tin nhạy cảm như khuôn mặt, vị trí của một người.

Vị giáo sư nhận định "phát sóng trò chuyện trực tiếp" không phải vì lợi ích của cộng đồng xã hội, cũng không phải để đưa tin tức hoặc giám sát xã hội, đó chỉ đơn thuần là hoạt động thương mại.

Do đó, muốn thu thập và chia sẻ thông tin cá nhân khi phát sóng, phải có sự đồng ý của người đó, thậm chí cần thông báo đặc biệt để giải thích những rủi ro có thể xảy ra khi thu thập và xử lý thông tin nhạy cảm.

Giáo sư Wang Chunhui của ĐH Chiết Giang cũng cho rằng phát sóng với người đi đường cần tuân theo nguyên tắc "thông tin, kiến thức và sự đồng ý" theo quy định của pháp luật.

Theo Zhang Xinbao, nếu không có thông báo liên quan hay sự đồng ý của cá nhân người được phỏng vấn, "trò chuyện trực tiếp" trong trường hợp này là hành vi bất hợp pháp, xâm phạm thông tin cá nhân.

"Đặc biệt khi một cá nhân đã từ chối rõ ràng, streamer vẫn áp dụng cách theo dõi và quay lén thì đó chính là hành vi bất hợp pháp, xâm phạm quyền riêng tư của công dân", Wang Chunhui nói.

Một streamer Trung Quốc từng bị chỉ trích khi có hành động quấy rối khi thực hiện "thử thách cùng người qua đường".

Về nguyên tắc xử lý thông tin cá nhân, cả Luật Bảo vệ thông tin cá nhân và Bộ luật Dân sự của Trung Quốc đều quy định rõ phải được sự đồng ý của cá nhân, tuân theo nguyên tắc hợp pháp, công bằng, cần thiết và không thái quá.

Internet không phải là môi trường nằm ngoài luật pháp và các buổi phát sóng trực tuyến không nên và không thể gây hại cho những người qua đường vô tội.

Peng Guibing, giáo sư Trường Truyền thông thuộc ĐH Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc, nhắc nhở rằng với tư cách là một streamer của nền tảng phát sóng trực tiếp, cần phải tôn trọng quyền riêng tư của người khác, trật tự và phong tục văn hóa, và thúc đẩy việc tạo ra một mạng lưới sinh thái lành mạnh.

Từ năm 2016, "Quy định về quản lý các dịch vụ phát sóng trực tiếp trên Internet" do Cục Thông tin Internet Trung Quốc ban hành đã yêu cầu không được sử dụng các chương trình livestream để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

"Đối với loại hình phát trực tiếp mang tính thương mại, nền tảng nên tiến hành quản lý và nghiêm khắc xử lý thông tin cá nhân bị chia sẻ bất hợp pháp. Đồng thời, các cơ quan quản lý thông tin khác nhau có thể chủ động để chỉnh sửa toàn bộ mạng lưới", Zhang Xinbao nói.

Zhang Xinbao cũng đề nghị các nền tảng có chức năng phát sóng trực tiếp nên xây dựng bộ quy tắc phù hợp để hạn chế các hành vi vi phạm, đồng thời xử lý khiếu nại nhanh chóng ngay khi nhận được.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO