Một nửa dân số Campuchia đã tiếp cận tiền số, Việt Nam đợi đến bao giờ?

05/01/2022, 10:53

Campuchia là một trong những nước đầu tiên trên thế giới cho ra đời đồng tiền kỹ thuật số có sự tham gia của ngân hàng Trung ương. Tiếp theo Campuchia, Lào là một quốc gi a khác trong khu vực đang có tham vọng phát triển tiền số.

Bakong là tên gọi của hệ thống thanh toán toàn quốc dựa trên công nghệ Blockchain do Ngân hàng Quốc gia Campuchia phát triển. Bakong chính thức ra mắt vào tháng 10/2020 và được công nhận là một trong những đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương (CBDC) đầu tiên trên thế giới. 

Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) là định dạng số của tiền tệ pháp định (fiat) do các ngân hàng Trung ương phát hành. CBDC mang đặc điểm của cả hai loại tiền điện tử và tiền pháp định. Nó được phát hành bởi các ngân hàng Trung ương nhưng lại sử dụng thuật toán tương tự như các loại tiền điện tử.

Một nửa dân số Campuchia đã tiếp cận tiền số, Việt Nam đợi đến bao giờ?
Bakong là một trong những đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới có sự tham gia của Ngân hàng Trung ương. 

Với dự án Bakong, Campuchia kỳ vọng sẽ tạo nên một hệ thống tài chính toàn diện. Trong đó, mọi người có thể thực hiện các giao dịch tài chính cơ bản bằng điện thoại, chuyển tiền cũng như giao dịch tại các cửa hàng thông qua ứng dụng trên smartphone.

Người dùng có thể quét mã QR để giao dịch hoặc chuyển tiền theo số điện thoại người nhận. Các giao dịch có thể được thực hiện bằng đồng Riel Campuchia hoặc USD.

Người dân Campuchia không cần có tài khoản ngân hàng để đăng ký sử dụng Bakong. Yêu cầu duy nhất là họ phải có số điện thoại di động do một nhà mạng Campuchia cung cấp. 

Theo Ngân hàng Trung ương Campuchia, đến tháng 11/2021, ứng dụng Bakng có khoảng 270.000 người sử dụng tại Campuchia. Ngân hàng Trung ương Campuchia sau đó cũng hợp tác với các ngân hàng địa phương để vận hành và mở rộng việc chấp nhận Bakong. 

Đồng tiền số Bakong đã tiếp cận với 7,9 triệu người dân Campuchia, chiếm một nửa trong tổng số 16,7 triệu dân của quốc gia này. Hiện đã có 6,8 triệu giao dịch được thực hiện qua Bakong với tổng trị giá 2,9 tỷ USD.

Một nửa dân số Campuchia đã tiếp cận tiền số, Việt Nam đợi đến bao giờ?
Việc cho ra đời đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương (CBDC) đang là một xu thế mới của ngành ngân hàng thế giới. 

Campuchia được Liên hợp quốc xếp vào nhóm quốc gia kém phát triển. Thống kê vào năm 2017 cho thấy, chỉ có 22% số người trưởng thành tại Campuchia có tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản thanh toán di động. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với con số 70% của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, báo cáo dẫn nguồn World Bank nói. 

Theo Nikkei Asia, đây chính là lý do khiến Ngân hàng Trung ương Campuchia phát triển một đồng tiền kỹ thuật số mới. Đó sẽ là hệ thống cho phép mọi người dân quốc gia này tiếp cận các dịch vụ tài chính với giá cả phải chăng. 

Bakong được đặt tên theo một ngôi đền cổ của Campuchia. Để xây dựng Bakong, Ngân hàng Trung ương Campuchia phải làm việc cùng Soramitsu - công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain của Nhật Bản. 

Ngân hàng thương mại Malayan Banking của Malaysia cũng thiết lập hệ thống chuyển tiền xuyên biên giới bằng cách sử dụng Bakong. Hệ thống mang đến cho người lao động Campuchia tại Malaysia một kênh giao dịch mới để chuyển tiền về cho gia đình. 

Tại Campuchia đang phổ biến việc sử dụng tiền tệ kép. Đồng USD được dùng song song với đồng Riel của quốc gia này trong hoạt động thanh toán. Việc phát triển Bakong được chính phủ Campuchia kỳ vọng sẽ khuyến khích việc sử dụng đồng Riel, từ đó giúp quốc gia có thể chủ động hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ. 

Một nửa dân số Campuchia đã tiếp cận tiền số, Việt Nam đợi đến bao giờ?
Bakong được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các tiện ích thanh toán số tại Campuchia. 

Trước Campuchia, Trung Quốc là một trong những quốc gia tích cực nhất khi triển khai đồng nhân dân tệ số tại một số thành phố. Sau thành công của Bakong tại Campuchia, Lào cũng đang tính đến việc phối hợp với Soramitsu để tung ra đồng tiền số của mình. 

Một cuộc khảo sát của Bank for International Settlements vào tháng 1/2021 cho thấy, 86% trong số 65 ngân hàng Trung ương được hỏi cho biết họ đang tham gia làm việc cùng với các đồng CBDC. Khoảng 60% các ngân hàng hàng Trung ương bỏ ngỏ khả năng sẽ phát hành những đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình trong thời gian tới. 

Với trường hợp của Việt Nam, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Một trong những nội dung được nhắc đến trong bản kế hoạch là Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Ngoài ra, đơn vị này sẽ cho ra đời những chính sách phù hợp về phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với giá hợp lý.

Trước đó, hồi giữa năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng  giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025.

Trọng Đạt


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO