Lưu trữ điện tử nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số

28/11/2023, 11:22

Về vấn đề lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là nội dung mới được thiết kế thành một chương riêng, nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số, công dân số...

Góp ý vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) chiều 27/11, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều, đoàn Đắk Nông quan tâm đến các quy định lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo đó, qua tìm hiểu thực tế tại địa phương cho thấy, thực trạng công tác lưu trữ tại cấp xã hiện nay có nhiều bất cập, nhiều nơi tài liệu lưu trữ xếp tất cả vào một góc, không được bảo quản theo đúng quy định, không có kinh phí cho việc chỉnh lý, khi cần một tài liệu rất khó tìm kiếm.

ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ HOẠT ĐỘNG LƯU TRỮ

Do đó, đại biểu đề nghị, dự thảo luật quan tâm hơn đến công tác lưu trữ tại cấp xã; nên có một bộ phận lưu trữ ở cấp huyện để lưu trữ tài liệu của cấp xã; có thể không thành lập một bộ phận chuyên trách nhưng giao cho Văn phòng UBND huyện tổ chức lưu trữ đối với các tài liệu lưu trữ thuộc diện lưu trữ mang tính chất lịch sử và những tài liệu lưu trữ liên quan đến công dân từ cấp xã chuyển lên cấp huyện.

Về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, đại biểu đề nghị, cần có những bước đi phù hợp với khả năng về nguồn lực, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trước mắt, đối với tài liệu lưu trữ mang tính lịch sử bảo quản vĩnh viễn mà sản sinh ra bằng số thì in ra, sau đó xác thực của cơ quan lưu trữ và đưa vào kho. Như vậy, sẽ vừa đảm bảo tính bảo quản vĩnh viễn tài liệu lưu trữ lịch sử, vừa đảm bảo sự tiếp nhận của người dân trong việc khai thác giá trị tài liệu lưu trữ.

Đại biểu Phạm Thị Kiều, đoàn Đắk Nông tại phiên thảo luận chiều 27/11.

Có cùng quan điểm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên, đoàn Long An cho rằng, thực tế hiện nay ở cấp xã, khối lượng tài liệu hình thành rất lớn, trong đó có nhiều tài liệu gốc làm cơ sở dữ liệu quốc gia như hồ sơ hộ tịch dân số và tư pháp... Ngoài ra, trong khối tài liệu cấp xã còn có tài liệu thuộc diện mật. Trong khi, điều kiện quản lý tài liệu lưu trữ cấp xã chưa được đảm bảo mà nguyên nhân chủ yếu là không có kinh phí, mặt bằng và không có nhân lực chuyên trách.

Theo quy định, kho lưu trữ số không bố trí ở cấp xã. Điều này dẫn đến việc bảo quản tài liệu lưu trữ không được đảm bảo. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định tài liệu lưu trữ ở các xã cũng là nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.

"Về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển lưu trữ điện tử là một trong những chính sách mới, cơ bản của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)", đại biểu nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về nghiệp vụ lưu trữ điện tử như về chỉnh lý xác định giá trị thống kê, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử…trong dự thảo Luật lần này.

Về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển lưu trữ điện tử, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Lạng Sơn góp ý, quy định của dự thảo Luật chưa chú trọng tới các quy trình nghiệp vụ lưu trữ điện tử. Do đó, cần tiếp tục rà soát nội dung của dự thảo nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, lưu trữ số trên cơ sở. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về nghiệp vụ lưu trữ điện tử.

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU KẾT NỐI, CHIA SẺ DỮ LIỆU THÔNG TIN TÀI LIỆU

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ, đại biểu Tạ Đình Thi, đoàn Hà Nội cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ chính là sự thay đổi phương thức làm việc, chuyển công tác quản lý nhà nước về hoạt động lưu trữ lên môi trường số, dựa trên dữ liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chuyển đổi số đang có những hạn chế về nhận thức, nhân lực, kinh phí, hạ tầng, khung pháp lý.

Đại biểu cho rằng, các quy định của luật phải khắc phục được những bất cập này, cụ thể, cần có các quy định về cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ số, các hoạt động lưu trữ thực hiện trên môi trường điện tử, việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động lưu trữ.

Về cơ quan chuyên ngành thúc đẩy chuyển đổi số, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn Thừa Thiên Huế đề nghị chỉ giao một cơ quan đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc số hóa tài liệu lưu trữ, xây dựng kho lưu trữ số dùng chung cho cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương bảo đảm chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và thuận tiện cho việc phân quyền quản lý, vận hành, trao đổi chia sẻ cơ sở dữ liệu lưu trữ…

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu (Ảnh:quochoi.vn).

Giải trình các vấn đề đại biểu nêu về vấn đề lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là nội dung mới được thiết kế thành một chương riêng, nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số, công dân số.

Trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo cố gắng đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, về giao dịch điện tử, về an ninh mạng, về bảo vệ bí mật nhà nước…đáp ứng được yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin về tài liệu lưu trữ.

Về đề nghị làm rõ hơn nghiệp vụ lưu trữ điện tử và lưu trữ số và phải gắn với chuyển đổi số, Bộ trưởng trân trọng tiếp thu để hoàn thiện thêm, trong đó quy định lộ trình đảm bảo nguồn lực bố trí các điều kiện để thực hiện nội dung này.

"Tài liệu lưu trữ là tài liệu quý giá, là tài nguyên thông tin đa dạng, phong phú trong đó, có rất nhiều tài liệu có giá trị quý hiếm của quốc gia, dân tộc và là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do vậy, việc sửa đổi luật bám sát các nguyên tắc sửa đổi căn bản toàn diện trên tinh thần chủ trương của Đảng đối với lĩnh vực lưu trữ; vừa kế thừa vừa bổ sung vừa phát triển toàn diện về luật hiện hành; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng khẳng định, vấn đề cốt lõi nhất của lưu trữ đó chính là bảo quản và lưu trữ, phát huy vai trò và sứ mệnh giá trị của tài liệu lưu trữ. Đây là mục tiêu quan trọng và là sứ mệnh của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam…

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO