Theo “Báo cáo Phục hồi: Tái khởi động doanh nghiệp nhỏ” do Mastercard thực hiện tại 19 quốc gia trên khắp thế giới, năm 2021 ghi nhận xu hướng gia tăng về doanh số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Từ đầu năm đến tháng 8/2021, tổng doanh số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh số thương mại điện tử tăng 31,4% trên bình diện toàn cầu.
Chia sẻ về vấn đề này, ông David Mann - Nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - châu Phi (Viện Kinh tế Mastercard) nhận định: “Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, song ngay từ đầu, tình trạng phụ thuộc vào hỗ trợ của chính phủ và việc thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đã khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gặp phải những khó khăn lớn hơn nhiều.”
Sức ép từ đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới phải chuyển lên môi trường online. |
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, trước những hạn chế đi lại và chiến lược “không Covid” của nhiều quốc gia, thương mại điện tử đã đóng vai trò như một chiếc phao cứu sinh giúp các tổ chức vượt qua đại dịch. Sự chuyển dịch nhanh chóng sang kỹ thuật số đã mở đường cho những thế hệ startup mới.
Thực tế cho thấy, sau các đợt phong tỏa, số lượng doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức trực tuyến mỗi tháng tại 19 nước tham gia khảo sát tăng gấp ba lần so với mức trước đại dịch. Đỉnh điểm là vào tháng 7/2020. Điều này đã phản ánh sự gia tăng về nhu cầu đối với các kênh bán hàng trực tuyến.
Sự chuyển dịch sang hình thức kinh doanh số đã duy trì đà tăng kể từ đó đến nay. Tại Úc, số người bán hàng lần đầu chấp nhận việc giao dịch thương mại điện tử vào năm 2020 tăng 60% so với năm trước đó.
Có một điều đáng chú ý khi xu hướng này cũng được phản ánh tương đối rõ nét tại Việt Nam. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), dịch Covid-19 đã nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng dường như đã quen và ưa thích mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Người dân Việt Nam cũng đã học được thói quen tiêu dùng online nhiều hơn sau đại dịch. Ảnh: Trọng Đạt |
Trong giai đoạn cao điểm của đợt dịch Covid-19 đầu tiên, từ tháng 2 đến tháng 4/2020, thương mại điện tử là kênh duy nhất để người dân có thể tiếp cận tới một số hàng hoá và dịch vụ.
Theo VECOM, trong khoảng thời gian này, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng vận hành của doanh nghiệp và nhân viên, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng.
Kết quả khảo sát nhanh của VECOM vào tháng 5/2020 tiếp tục được củng cố cho cả năm 2020 và đầu năm 2021.
Thực tế cho thấy, thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam đã năng động, thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến. Mặt khác, cộng đồng người tiêu dùng, mua sắm trực tuyến trong nước cũng tăng trưởng nhanh.
Hai yếu tố này dẫn tới việc, nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt, bao gồm bán lẻ hàng hóa trực tuyến, gọi xe và đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến.
Đó cũng là lý do, thương mại điện tử Việt Nam ước tính đã tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD vào năm ngoái.
Trọng Đạt