Lâm Đồng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và các nền tảng số hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế - xã hội

T.H | 24/08/2021, 16:52

Lâm Đồng đã tập trung phát triển các phần mềm ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý, điều hành, triển khai Chính phủ điện tử và Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)

Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 70.655 hộ với 333.561 khẩu, chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh. Theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021- 2025, hiện nay, toàn tỉnh có 10/10 huyện; 78/124 xã, thị trấn, 478/1.376 thôn là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong thời gian qua, Lâm Đồng đã tập trung phát triển các phần mềm, tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, triển khai Chính phủ điện tử đến tận cơ sở và thực hiện việc chuyển đổi số,  hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ sở hạ tầng và các nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hiện có tại Lâm Đồng

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Lâm Đồng cho biết thời gian qua, tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT tiến tới xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) hướng tới Chính quyền số. Cụ thể:

Mạng truyền dẫn: Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối đến các sở, ngành cấp tỉnh, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Mạng truyền dẫn cáp quang đến 100% trung tâm tỉnh, huyện, xã. Mạng di động phủ sóng 100% địa bàn tỉnh, dịch vụ điện thoại cố định và Internet tốc độ cao phát triển đến tất cả các xã và đã thay thế hệ thống cáp đồng.

Hệ thống mạng CAMPUS Trung tâm hành chính tỉnh: 54 đơn vị (18 đơn vị cấp Sở, 36 đơn vị trực thuộc Sở) hoạt động trong Khu hành chính tập trung, với trên 1.700 người dùng, 54 máy chủ tập trung, 37 đường kết nối Internet FTTH, hoạt động ổn định, đảm bảo hoạt động liên tục, an toàn, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của tất cả các cơ quan, đơn vị.

Hạ tầng CNTT các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã cơ bản đảm bảo việc quản lý và điều hành qua môi trường mạng (100% cơ quan đơn vị có đủ trang thiết bị làm việc và hệ thống mạng LAN kết nối mạng Internet cáp quang tốc độ cao).

Cơ sở dữ liệu (CSDL): Hiện nay, các đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ yếu triển khai các CSDL theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Một số CSDL quốc gia đã được triển khai: CSDL về Bảo hiểm; CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc; CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; CSDL tài chính; CSDL giáo dục; CSDL danh mục dùng chung của Bộ Y tế, Bảo hiểm, Tư pháp, Hải quan, … để phục vụ phát triển chính quyền, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, một số CSDL quốc gia cũng đang được triển khai: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư; Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia.

Ngoài ra, nhiều phần mềm, CSDL khác đã được các đơn vị đưa vào khai thác sử dụng phục vụ công tác điều hành, tác nghiệp của các đơn vị như: phần mềm quản lý giấy phép lái xe; phần mềm quản lý hệ thống đăng kiểm xe cơ giới; hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc; hệ thống quản lý ngân sách; phần mềm quản lý giá; phần mềm xử lý đơn thư, phần mềm dạy học dùng chung cho các môn cơ bản của các cấp học, phần mềm quản lý phổ cập giáo dục các cấp.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Lâm Đồng đã kết nối với Trục kết nối NGSP của Bộ TT&TT gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia như: CSDL quốc gia về đăng ký Doanh nghiệp; CSDL quốc gia về Bảo hiểm; Danh mục điện tử dùng chung; CSDL quốc gia về văn bản Quy phạm pháp luật; Hệ thống VNPOST thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg; Cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách - Bộ Tài chính; Hệ thống dichvucong.lamdong.gov.vn tỉnh Lâm Đồng đã tích hợp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thanh toán phí thông qua dịch vụ dịch vụ công trực tuyến toàn quốc (PayGov). Hiện nay đang thực hiện kết nối LGSP với cơ sở dữ liệu quốc gia quốc gia về dân cư; kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến...

Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh hoạt động ổn định đáp ứng duy trì vận hành Hệ thống Cổng TTĐT, Thư điện tử công vụ và các chuyên ngành khác…, đảm bảo an toàn bảo mật phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Phổ cập tin học ứng dụng ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Lâm Đồng.  (Ảnh Sở TT&TT Lâm Đồng)

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện Quyết định 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025”, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch 4212/KH-UBND thực hiện trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống ứng dụng CNTT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác trong tỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu đến năm 2023 sẽ thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự.

Đến cuối năm 2023 có 95% người có uy tín, 90% đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với mọi lĩnh vực thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin an ninh trật tự, chính sách bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai; 70% đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường; 80% tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù.

Đồng thời, hỗ trợ nâng cao, hoàn thiện kiến thức về công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các vùng DTTS, đa dạng hình thức dạy, học tiếng DTTS và dạy nghề cho các thanh niên DTTS.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng xây dựng hệ thống thông tin về công tác dân tộc đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin...

Đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc và các ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu 90% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mọi nguồn thông tin khác về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường… Qua đó, thúc đẩy đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Lâm Đồng đặt ra các giải pháp như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng; nâng cấp công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn; đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức việc ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư đóng góp vào bộ dữ liệu dân tộc thiểu số của tỉnh; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông cho người làm công tác dân tộc…
‎Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng triển khai thiết kế, nâng cấp hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc; xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để cung cấp thông tin việc làm, khám chữa bệnh từ xa; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và sinh hoạt cho đồng bào DTTS…

Sở TT&TT Lâm Đồng cũng cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện các nội dung về ứng dụng CNTT, dịch vụ CNTT, phát triển nhân lực CNTT; giám sát, bảo đảm an toàn thông tin, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho vùng đồng bào DTTS.

Đồng thời, hướng dẫn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn với Ban Dân tộc tổ chức các lớp tuyên truyền về ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS...

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO