iPhone bán chạy gấp đôi tại Việt Nam, bất chấp dịch Covid-19

11/04/2022, 06:45

Doanh số iPhone tại Việt Nam bùng nổ trong năm 2021, dù Táo khuyết chỉ đứng thứ 5 về thị phần ở thị trường trong nước.

Theo thống kê từ hãng nghiên cứu Counterpoint Research, Apple là hãng smartphone tăng trưởng mạnh nhất tại Việt Nam trong năm 2021. So với năm 2020, doanh số của Táo khuyết trong nước tăng tới 119%.

Đây là một trong những thống kê vừa được Counterpoint Research công bố về thị trường smartphone Việt Nam trong quý IV cũng như cả năm 2021. Theo hãng nghiên cứu, lượng smartphone bán ra tại Việt Nam trong quý IV/2021 tăng 104% so với quý trước, và 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường sôi động trở lại

Counterpoint Research cho rằng nhu cầu mua smartphone trong năm luôn ở mức cao dù thị trường đối mặt khó khăn về chuỗi cung ứng, lo ngại biến chủng mới.

Trong quý IV/2021, Samsung là hãng smartphone lớn nhất Việt Nam với thị phần 28%, doanh số tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Vivo xếp thứ 2 với thị phần 18%, lượng smartphone bán ra tăng 46% so với quý IV/2020, và 364% so với quý III/2021.

Việc mở rộng chuỗi cửa hàng thương hiệu được đánh giá là chiến lược góp phần giúp doanh số iPhone tại Việt Nam bùng nổ trong năm 2021. Ảnh: Hà Minh.

Tính cả thương hiệu OnePlus, doanh số smartphone của Oppo trong quý IV/2021 xếp thứ 3 với thị phần 17%. Đứng thứ 4 là Apple với thị phần 11%, doanh số tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong top 6.

Xiaomi là hãng smartphone lớn thứ 5 với thị phần (tính cả thương hiệu Poco và Redmi) chiếm 11%. Trong khi đó, Realme đứng thứ 6 với thị phần 8%, doanh số smartphone tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020, và 347% so với quý III/2021. Các hãng còn lại có thị phần tổng cộng 4%.

Về lý do doanh số Apple tại Việt Nam vượt mặt Xiaomi trong quý IV/2021, ông Ivan Lam, nhà phân tích của Counterpoint Research cho rằng Táo khuyết đã có chỗ đứng trong lòng người dùng Việt.

Samsung là hãng smartphone có thị phần lớn nhất Việt Nam quý IV và cả năm 2021. Ảnh: Xuân Sang.

Theo ông Lam, Apple cũng có những chiến lược phân phối mạnh mẽ hơn như thúc đẩy gian hàng trên sàn thương mại điện tử, khai trương Mono Store hợp tác cùng các nhà bán lẻ. Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều smartphone 5G cũng kích thích doanh số dòng iPhone 13.

Trong cả năm 2021, doanh số smartphone tại Việt Nam tăng 7% so với 2020. Samsung vẫn là hãng chiếm thị phần cao nhất (34%) với mức tăng trưởng 6%. Những vị trí tiếp theo thuộc về Oppo (thị phần 19%), Xiaomi (13%), Vivo (11%), Apple (9%), Realme (6%) và các hãng còn lại (8%).

Apple là hãng có mức tăng trưởng doanh số lớn nhất, đạt 119% so với năm 2020. Bên cạnh Samsung, đây là hãng ghi nhận doanh số cao kỷ lục tại Việt Nam trong năm 2021.

Dù xếp thứ 2 về thị phần, doanh số smartphone Oppo giảm 6% so với năm 2020. Theo nhà phân tích Glen Cardoza của Counterpoint Research, hãng này thiếu chip 4G, chịu ảnh hưởng nặng do các kênh bán hàng trực tiếp (offline) ngừng hoạt động do quy định giãn cách xã hội trong quý II và quý III/2021. Tuy nhiên, đã có tín hiệu khởi sắc trong 3 tháng cuối năm khi doanh số Oppo tăng 88% so với quý trước.

Kênh bán lẻ trực tiếp vẫn là "vua"

Nhận xét thị trường smartphone Việt năm 2021, ông Lam cho biết kênh bán hàng offline vẫn thống trị, trong khi kênh online chỉ chiếm 15% tổng doanh số. Vào quý III/2021, giãn cách xã hội tại nhiều nơi khiến doanh số smartphone đạt mức thấp nhất trong cả năm, song việc nới lỏng quy định trong quý IV tạo ra nhiều tín hiệu tích cực.

“Đầu tiên, tỷ lệ tiêm chủng tăng giúp các kênh bán hàng trực tiếp hoạt động bình thường. Thứ hai, dòng iPhone 13 và một số thiết bị mới ra mắt khi Tết Nguyên đán đến gần đã kích thích mua hàng. Thứ ba, Samsung và các hãng Trung Quốc xoay xở để duy trì hoạt động cung ứng, hậu cần tại Việt Nam.

Cuối cùng, các thành phố lớn như TP.HCM ban hành hướng dẫn người dân xuất trình mã QR từ ứng dụng di động để chứng minh đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh, điều đó khiến nhiều người chuyển sang smartphone hoặc nâng cấp máy mới”, nhà phân tích Ivan Lam nhận xét.

Thị phần các hãng smartphone tại Việt Nam trong năm 2021. Ảnh: Counterpoint Research.

Trước đó, khi giải thích lý do Apple và Samsung thi nhau mở chuỗi cửa hàng thương hiệu, ông Glen Cardoza cho rằng thị trường bán lẻ truyền thống vẫn có thể mở rộng, trong khi bán online đã đạt giới hạn.

"Có nhiều điểm lợi khi mở rộng kênh bán lẻ tại Việt Nam. Do đặc điểm dân số, nhiều người dùng Việt Nam vẫn muốn có trải nghiệm 'sờ và cảm nhận' khi mua một chiếc smartphone.

Là người thường xuyên phân tích thị trường smartphone Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, ông Cardoza cho rằng thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam có tăng trưởng nhưng không nhiều bằng các nước khác. Đó là lý do các hãng vẫn coi trọng cửa hàng truyền thống.

Rất có thể các hãng đã nhận ra rằng bán lẻ trực tuyến rồi cũng sẽ chạm giới hạn", ông Cardoza chia sẻ với Zing.

“Việt Nam là một trong những thị trường điện tử tiêu dùng năng động nhất Đông Nam Á, cũng như một trong những quốc gia châu Á có mức độ sử dụng Internet cao nhất. Dù dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng thị trường, nhu cầu vẫn không thay đổi. Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi này tiếp tục trong năm 2022”, Tarun Pathak, Giám đốc Nghiên cứu tại Counterpoint Research nhận định.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO