Thời gian gần đây, nhiều nhạc sĩ như: Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Hoàng Sông Hương, Trần Thanh Tùng, Nhóm M6 (Giáng Son, Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Trần Đức Minh)... phản ánh với báo chí cũng như gửi đơn kiến nghị tới Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) về việc tác phẩm và ấn phẩm băng đĩa nhạc của họ bị một công ty kinh doanh trên nền tảng số xâm phạm nghiêm trọng.
Việc nhạc sĩ Giáng Son đăng đàn một cách gay gắt và quyết liệt trên các phương tiện truyền thông chỉ là bề nổi của tảng băng, bởi trong quá trình hoạt động gần 20 năm qua, VCPMC đã gặp nhiều khó khăn chưa thể khắc phục trong việc quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm nghiêm trọng trên nền tảng công nghệ số.
Nhạc sĩ Văn Thao phát biểu ý kiến trong buổi tọa đàm về bảo vệ bản quyền âm nhạc do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức. |
Tính đến nay, VCPMC đã tham gia tố tụng 16 vụ việc, trong đó hòa giải thành công tại tòa 2 vụ là website Chia sẻ nhạc và Công ty Media Max (Hà Nội); rút đơn khởi kiện 7 vụ với các lý do bị đơn ngừng kinh doanh theo quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội là Công ty Unicorn, Cafe Sỏi Đá...
Ngày càng nhiều đơn vị khai thác, sử dụng âm nhạc trên nền tảng số không chỉ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ mà còn tìm mọi cách và thủ đoạn để chiếm đoạt quyền tác giả, trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ và kéo dài thời gian để có cơ hội trục lợi, gây tổn hại rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động đối với các cơ quan chức năng về mức độ vi phạm bản quyền, cũng như cho thấy sự cần thiết phải cải thiện hệ thống pháp lý bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.
Căn cứ quy định về Quyền tự bảo vệ tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật SHTT), để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc thành viên, VCPMC đã nhiều lần áp dụng biện pháp khởi kiện tại tòa án theo quy định tại điểm d khoản 1, Điều 198 Luật SHTT. Trong quá trình này, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn chưa thể khắc phục.
Cụ thể, ngay từ bước xác định, tòa án có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm (khoản 2 Điều 200 Luật SHTT), giữa các cấp tòa vẫn chưa thống nhất rõ đây là tranh chấp SHTT thuộc dân sự hay tranh chấp kinh doanh thương mại, để xác định thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp huyện hay cấp tỉnh. Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án còn gặp nhiều khó khăn bởi bị đơn thường xuyên bất hợp tác, trốn tránh nghĩa vụ, thường xuyên vắng mặt không có lý do khi được tòa triệu tập... khiến cho thời gian giải quyết bị kéo dài, càng gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của tác giả cũng như hoạt động tố tụng của tòa án.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết thêm, mặc dù khó khăn nối tiếp khó khăn từ góc độ pháp lý khi quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm, đặc biệt là gần 3 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, xong VCPMC đã đi tắt, đón đầu công nghệ 4.0 nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển và hội nhập quốc tế. Thực thi SHTT trong lĩnh vực âm nhạc bằng cách triển khai đồng bộ các hệ thống phần mềm mà các tổ chức, tập thể quyền trên thế giới cùng sử dụng để bảo đảm tính tương tác cao như các hệ thống phần mềm: Mis@Asia, Cisnet, Apple, Apra, Must, PRS, YouTube.
Trong đó Mis@Asia, Cisnet, Komca, Apra-dùng để tra cứu kho tác giả, tác phẩm của các tổ chức này và những phần mềm còn lại để phục vụ việc tải báo cáo, hoặc báo cáo vi phạm (claim) quyền sở hữu tác phẩm của VCPMC. Đặc biệt, với phần mềm Mis@Asia có các chức năng chính như: Tạo các tác phẩm mới, tra cứu, đối soát, phân phối... đã được tổ chức Compass (Singapore) thuê Công ty công nghệ NetReach (Ấn Độ) viết và phát triển. Phần mềm này hiện được 4 nước dùng chung là: Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Dữ liệu của phần mềm này được đồng bộ hóa từ nhiều tổ chức trên thế giới.
Bản quyền âm nhạc Việt Nam nói riêng, SHTT Việt Nam nói chung đã và đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để hình thành và phát triển một nền công nghiệp văn hóa hiện đại, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, cũng như hội nhập với thế giới của Việt Nam. Thực thi nghiêm các quy định về SHTT, về quyền tác giả, quyền liên quan là điều kiện cơ bản, góp phần quyết định sự phát triển của Việt Nam trong thời đại công nghệ số.
Bài và ảnh: LỆ CHIẾN