Internet vệ tinh có thể thu hẹp khoảng cách số Đông Nam Á

18/10/2023, 11:42

Philippines khai thác băng thông rộng vệ tinh để kết nối 438 khu vực vùng sâu vùng xa. Liên lạc vệ tinh có thể là giải pháp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho các nước Đông Nam Á.

Chính phủ Philippines đã hoàn thành việc lắp đặt băng thông rộng vệ tinh tại 438 khu vực vùng sâu vùng xa. Đây là một phần trong Kế hoạch băng thông rộng quốc gia, nền tảng của chương trình Wi-Fi miễn phí ở nước này.

Với chi phí khoảng 3,6 triệu USD, dự án thiết lập các thiết bị đầu cuối nhỏ (VSAT) có thể cung cấp kết nối Internet tốc độ từ 10 đến 30 Mbit/giây đến khoảng 400 người tại một địa điểm trong thời gian nhất định. Dự án hoàn thành trong 30 ngày. VSAT là trạm mặt đất hai chiều, có khả năng truyền và nhận dữ liệu từ vệ tinh. Nó cao chưa tới 3m và trao đổi cả dữ liệu băng thông rộng/hẹp với vệ tinh trên quỹ đạo theo thời gian thực.

 Thông qua Kế hoạch băng thông rộng quốc gia, DICT muốn cung cấp kết nối mạng cho 65% dân số Philippines chưa được truy cập Internet. (Ảnh: Kacific)

Dự án do Bộ Thông tin và Truyền thông (DICT) Philippines chủ trì, phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ Internet Stellarsat Solutions và đối tác Kacific Broadband Satellites. Các tỉnh được phủ sóng Internet vệ tinh chủ yếu nằm ở phía bắc đảo Luzon.

Bộ trưởng DICT Ivan John Uy thông tin, việc kết nối tất cả các hòn đảo rải rác của Philippines vẫn là một thách thức và khoảng cách kỹ thuật số còn lớn, đặc biệt ở các khu vực bị cô lập về mặt địa lý (GIDA). Thông qua Kế hoạch băng thông rộng quốc gia, DICT muốn cung cấp kết nối cho 65% dân số chưa được truy cập Internet. Ông Ivan John Uy cho biết sẽ có thêm nhiều địa điểm được đưa vào chương trình vì vẫn còn hàng nghìn GIDA chưa nối mạng.

“Chúng tôi đang tích cực mở rộng vùng phủ sóng cũng như cải thiện chất lượng. Chúng tôi đang sử dụng mọi phương tiện khác nhau: thông qua cáp quang, đường dây mặt đất, kết nối không dây, cáp ngầm, kết nối vệ tinh”, ông trả lời hãng tin địa phương.

Hiện tại, Wi-Fi đang miễn phí tại nhiều vùng sâu vùng xa nhưng điều đó có thể thay đổi nếu DICT không nhận được hỗ trợ cần thiết để duy trì chương trình. Ông Ivan John Uy hy vọng Quốc hội Philippines sẽ tăng ngân sách cho DICT trong năm 2024 vì đây là điều quyết định mức độ tiếp cận của chương trình.

Lựa chọn thiết thực

Theo Victor Xu, nhà phân tích liên lạc vệ tinh tại ABI Research, Internet vệ tinh đang tạo ra bước tiến rõ rệt trong thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số tại Đông Nam Á. Ông cho rằng nó sẽ trở thành lựa chọn thiết thực để giải quyết các thách thức về kết nối trong khu vực vì nhiều lý do, chẳng hạn sự đa dạng về địa lý, thiên tai, mục tiêu hòa nhập kỹ thuật số, sáng kiến của chính phủ.

Ông chỉ ra các nhà cung cấp Internet vệ tinh như Kacific, Thaicom và Measat đang tích cực làm việc để mở rộng phạm vi truy cập Internet, đặc biệt tại các khu vực xa xôi và chưa được phục vụ. Các sáng kiến của họ sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận mạng và thúc đẩy cơ hội kỹ thuật số cho người dân Đông Nam Á và hơn thế nữa.

Trong báo cáo mới nhất, ABI Research dự đoán số người đăng ký Internet vệ tinh trong khu vực có thể vượt 1,8 triệu, mang về doanh thu hơn 2,1 tỷ USD năm 2028. Những con số hứa hẹn nhấn mạnh Đông Nam Á ngày càng công nhận giá trị của Internet vệ tinh. Ông Xu nhận xét khi Internet vệ tinh tiếp tục phát triển, nó sẵn sàng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hòa nhập kỹ thuật số khắp khu vực.

Với chương trình Wi-Fi miễn phí, DICT không chỉ cung cấp kết nối đến các dịch vụ trực tuyến thiết yếu mà còn mở ra con đường cho các doanh nhân trong cộng đồng tham gia kinh tế số. Theo Bộ trưởng Uy, nhờ kết nối Internet băng thông rộng giá rẻ, ổn định, người dân ở miền Bắc Luzon có thể kết nối với toàn thế giới, tận dụng lợi ích của kỷ nguyên số. Dự án trang bị công cụ cho doanh nghiệp vi mô, vừa và nhỏ ở GIDA để gia nhập thị trường thương mại điện tử.

Philippines không phải quốc gia Đông Nam Á duy nhất tìm đến Internet vệ tinh để phủ sóng cho những khu vực chưa được nối mạng. Vào tháng 8, nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng nông thôn MEASAT của Malaysia đã kết hợp cùng hệ thống Parcel 365 triển khai chương trình Program Transformasi Usahawan (PTU) nhằm hỗ trợ các nữ doanh nhân ở nông thôn khai thác kinh tế số. Gần đây, công ty kết nối gần 600 trường học vùng sâu vùng xa trên cả nước bằng dịch vụ băng thông rộng vệ tinh tốc độ cao.

Indonesia dự định kết nối những khu vực xa xôi nhất của quần đảo khi phóng vệ tinh SATRIA-I trị giá 540 triệu USD vào tháng 6. Vệ tinh có thể cung cấp Internet cho 50.000 điểm dịch vụ công trên cả nước. Gần 2/3 trong số 280 triệu dân Indonesia đã sử dụng Internet nhưng kết nối bị hạn chế ở các hòn đảo phía Đông hẻo lánh, kém phát triển.

Nhận thấy tiềm năng từ việc kết nối các khu vực nông thôn Đông Nam Á, doanh nghiệp vệ tinh OneWeb đã ký thỏa thuận nhiều năm với mu Space của Thái Lan vào tháng 3 để cung cấp dịch vụ cho một số nước trong khu vực.

(Theo Lightreading)

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO