Họp nghe báo cáo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Xuân Nghĩa | 15/06/2021, 16:16

Sáng ngày 14/6/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm chủ trì hội nghị nghe báo cáo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã trình bày báo cáo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo mục tiêu đề án đặt ra, việc chuyển đổi số nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức, quy trình, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, các cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện. Xây dựng Chính quyền số hoạt động hiệu quả, gắn với phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số, cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư kinh doanh. Hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao là nền tảng cho phát triển kinh tế số; xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực tỉnh Thanh Hóa có lợi thế; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tại hội nghị.

Để đạt được mục tiêu đó, đề án cũng đặt ra 4 nhiệm vụ và 7 giải pháp trọng tâm cho giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, gồm: Nhiệm vụ về phát triển nền tảng cho chuyển đổi số; nhiệm vụ về phát triển chính quyền số; nhiệm vụ về phát triển kinh tế số; nhiệm vụ về phát triển xã hội số. 7 giải pháp trọng tâm, gồm: Giải pháp về thay đổi nhận thức; Giải pháp về kiến tạo thể chế; Giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về tài chính; Giải pháp tuyên truyền; Giải pháp về an toàn, an ninh mạng; Giải pháp về hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, đề án cũng xây dựng thành 3 lộ trình thực hiện, gồm: Giai đoạn khởi động (2021-2022): Giai đoạn này tập trung các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế chính sách, tuyên truyền người dân/doanh nghiệp tham gia; Phát triển hạ tầng kỹ thuật; Phát triển CQĐT trên cơ sở phát huy những giải pháp đã triển khai và tập trung cho giải quyết các vấn đề bức thiết của tỉnh.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội nghị.

Giai đoạn tăng tốc (2023-2025): Giai đoạn này cần tập trung một số nhóm nhiệm vụ sau: Hoàn thành việc xây dựng CQĐT chuyển dần sang Chính quyền số; Triển khai các lớp ứng dụng CQĐT trên các lĩnh vực đảm bảo theo khung kiến trúc CQĐT. Với các mục tiêu mở rộng sang các lĩnh vực chuyên ngành: Y tế, giáo dục, giao thông, môi trường... phục vụ công tác quản lý nhà nước, thông tin cho người dân/doanh nghiệp.

Giai đoạn phát triển (2026-2030): Giai đoạn này hướng tới hoàn thiện và phát triển trở nên sâu rộng tới mọi tầng lớp. Ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính quyền số; phát triển các doanh nghiệp số có khả năng cạnh tranh cao; kinh tế số phát triển; xã hội số văn minh, hiện đại.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đặt ra các vấn đề về chuyển đổi số, doanh nghiệp số, thương mại điện tử cần bám theo các tiêu chí của Chính phủ đề ra. Ngoài ra, cần xem xét lại mục tiêu tổng quát cần rút gọn lại cho sát với nhiệm vụ giải pháp và mục tiêu cụ thể; cần nhìn nhận lại cho sát hơn với tình hình thực tế. Các lộ trình giai đoạn thực hiện của đề án cũng cần đặt lại phù hợp hơn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đánh giá cao sự chuẩn bị của Sở Thông tin và Truyền thông; đồng thời nhấn mạnh đây là đề án mang nội hàm rộng với nhiều nội dung mới. Đồng chí thống nhất với một số vấn đề cơ bản trong dự thảo đề án, giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến tại hội nghị. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, lấy ý kiến đóng góp cho đề án; hoàn chỉnh lại dự thảo đề án; báo cáo trực tiếp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm xem xét trong tuần tới.

Đồng chí lưu ý, đơn vị soạn thảo khi xây dựng lại dự thảo đề án cần cập nhật số liệu mới nhất về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh đến tháng 6/2021, cần chú ý các khái niệm về lý luận trong đề án phải gắn liền với thực tiễn đất nước và đặc thù riêng của tỉnh nhà.

Về phần mục tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện, cần bám vào tình thần của Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các số liệu về mục tiêu, phải có bản giải trình chi tiết, đủ cơ sở lập luận bảo vệ quan điểm cho từng mục tiêu. Ngoài ra, phải trình bày gọn gàng, súc tích hơn, tránh sự trùng lặp dàn trải như hiện tại.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO