Hết thời hàng hoá “Made in China” tràn ngập sàn thương mại điện tử nước ngoài

28/06/2022, 09:21

Hàng hoá "Made in China" từng tràn ngập tại các sàn thương mại điện tử nước ngoài, nhưng điều này có thể sẽ sớm chấm dứt trong thời gian tới.

Zou Xing, giám đốc bán hàng của công ty sản xuất nhiệt kế thực phẩm Goldgood Instrument trụ sở tại Thẩm Quyến cho biết, công việc kinh doanh đã phát triển mạnh trong những năm gần đây với những cửa hàng trực tuyến trên Amazon, nhưng tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại trong năm nay, thậm chí còn giảm ở một số khu vực.

Những năm trước đó, công ty ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm tại thị trường Mỹ và châu Âu lên tới 30%.

“Thị trường Mỹ nhìn chung vẫn ổn định, tuy nhiên hoạt động kinh doanh tại châu Âu của công ty trong năm nay đã giảm 50%. Tôi nghĩ rằng kinh tế suy thoái, cuộc xung đột tại Ukraine là những nguyên nhân khiến doanh số bán hàng sụt giảm”, Zou cho hay.

Theo dữ liệu chính thức từ Bộ thương mại Trung Quốc, ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của nước này đã tăng trưởng gấp 10 lần trong 5 năm qua. Xu hướng tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến trong giai đoạn Covid-19 là động lực chính của ngành trong năm 2020, khi lĩnh vực này tăng 31% và xuất khẩu tăng 40%.

Tuy nhiên, tốc độ này đã chậm lại vào năm ngoái, khi chỉ còn tăng 15%, đạt 1,98 ngàn tỷ NDT (295 tỷ USD), và xuất khẩu tăng 24,5% đạt khoảng 1,44 nghìn tỷ NDT.

“Những ngày phát triển bùng nổ của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới đã không còn nữa”, Wang Xin, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thẩm Quyến nói. “Chúng tôi đã phải giảm tốc và tập trung xây dựng thương hiệu riêng để giữ chân người tiêu dùng, thay vì chỉ đăng tải hàng hoá lên website”.

Hàng hoá "Made in China" chịu sự giám sát ngày càng chặt chẽ

Năm ngoái, sàn thương mại Amazon đã bắt đầu siết chặt quản lý đối với những đánh giá giả mạo khiến cộng đồng thương gia Trung Quốc bị tác động mạnh. Theo đó, Amazon khoá hơn 3.000 tài khoản bán hàng trực tuyến được hỗ trợ bởi khoảng 600 thương hiệu từ quốc gia tỷ dân tại châu Á. Theo dữ liệu từ Marketplace Pulse, các doanh nghiệp Trung Quốc ghi nhận thị phần bán hàng trên Amazon giảm từ 40% vào đầu năm xuống chỉ còn 33% vào cuối năm 2021.

Động thái trấn áp của Amazon chỉ là một trong chuỗi những thách thức mà cộng đồng thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc phải đối mặt, chẳng hạn chi phí vận tải đường biển cũng đã tăng vọt. Giá vận chuyển từ châu Á tới bờ Tây Mỹ vào cuối năm 2021 tăng lên 26.000 USD/container, tăng 330% so với cùng kỳ năm trước.

Cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng góp phần tăng thêm áp lực, khiến tỷ giá hối đoái biến động và gián đoạn chuỗi cung ứng tại các thị trường người bán Trung Quốc đang hoạt động.

Ngoài ra, các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ trên khắp Trung Quốc cùng chính sách “zero Covid” đã ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại xuyên biên giới, khi hoạt động hậu cần và phần lớn các kho hàng lớn đều bị đình trệ.

Chưa dừng lại ở đó, các thương gia Trung Quốc cũng phải đối mặt với những yêu cầu tuân thủ mới từ cơ quan quản lý tại thị trường nước ngoài.

Vào tháng 3 vừa qua, công ty Tomtop Technology trụ sở Thẩm Quyến đã bị nền tảng thanh toán Paypal đóng băng số tài khoản 78 triệu NDT do liên quan cáo buộc gian lận thương hiệu. Liên quan vụ việc này, Wang cho biết, hơn 100 doanh nghiệp Trung Quốc đã bị ảnh hưởng, thiệt hại lên tới hàng tỷ NDT.

Động thái đàn áp của Paypal là một cảnh báo cho thấy sẽ ngày càng nhiều người bán chuyển trọng tâm khỏi Amazon để tránh các quy định chặt chẽ. Dù vậy, kể các khi họ tự xây dựng các website riêng, người bán cũng đối mặt sự giám sát gắt gao khi tình hình kinh doanh phát triển.

“Các quy định tại thị trường nước ngoài ngày càng trở nên chặt chẽ”, Wang Yongchao, chủ tịch dịch vụ cung cấp tuân thủ Chenhai Group nhấn mạnh, những động thái mạnh tay như Amazon giúp “giáo dục” doanh nghiệp Trung Quốc về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy tắc trên thị trường quốc tế.

Vinh Ngô

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO