Sự sụt giảm gần 50% giá trị của Bitcoin hơn một tháng qua đã gây áp lực lên cả các công ty đào Bitcoin và các nền tảng chuyên cho những công ty này vay tiền. Nhiều trong số đó đã phải bán dần lượng tiền số dự trữ cùng hệ thống máy đào để duy trì hoạt động hoặc trang trải nợ nần, theo Bloomberg.
"Việc bán Bitcoin sẽ gây thêm áp lực lên giá của tiền số. Giá trị thiết bị có thể giảm xuống thấp hơn nữa, nếu như những bên cho vay tìm cách bù đắp khoản lỗ của mình, bằng cách thanh lý các máy móc mà họ được thế chấp", trang này nhận định.
Trong hai tháng qua, nhiều dấu hiệu từ các công ty khai thác tiền số cho thấy một kịch bản tồi tệ chuẩn bị xảy ra nếu nếu thị trường không cải thiện. Luka Jankovic, người đứng đầu bộ phận cho vay của Galaxy Digital, cho rằng các thợ đào đang trải qua "cảm giác đau đớn".
Bán tháo máy đào và Bitcoin
Hiện chưa nhiều đơn vị khai thác Bitcoin rơi vào tình trạng vỡ nợ. Tuy nhiên, nhiều trong số này bắt đầu có dấu hiệu gặp khó khăn. Ví dụ, Core Scientific, công ty chuyên cung cấp hạ tầng đào Bitcoin cho các khách hàng Mỹ phải bán 2.000 Bitcoin hồi tháng 5 cho chi phí hoạt động. Bitfarms, doanh nghiệp đào tiền số tại Canada, cũng bán gần một nửa lượng tiền số khai thác được vào đầu tháng 6 để trả một phần khoản vay 100 triệu USD cho Galaxy Digital.
"Ở mức giá này, các hoạt động đang có tỷ suất lợi nhuận âm. Giá trị của máy cũng giảm mạnh và đang trong quá trình 'dò giá', trong khi giá năng lượng biến động còn nguồn cung hạn chế", Jankovic nói.
Khai thác Bitcoin, hiểu đơn giản là hoạt động sử dụng hệ thống máy tính mạnh mẽ để xử lý giao dịch và nhận về phần thưởng là Bitcoin hoặc token. Đây từng là một trong những lĩnh vực kinh doanh sinh lời cao, với tỷ suất lợi nhuận có thể đạt 90% trong giai đoạn tiền số tăng giá. Tuy nhiên, do sự biến động giá mạnh, mảng kinh doanh này thường khó được vay vốn từ các tổ chức tài chính truyền thống, hoặc phải chấp nhận vay với lãi suất cao.
Để lấp khoảng trống của thị trường này, một số công ty cho vay tiền điện tử như Galaxy Digital, BlockFi, Celsius Network... mở rộng tài sản thế chấp là chính các dàn máy đào coin, bên cạnh các khoản thanh toán tiền mặt. Điều này đã tạo ra rủi ro lớn trong bối cảnh thị trường đi xuống.
"Những công ty đang lo lắng về khoản cho vay của mình, đặc biệt những khoản vay với tỷ lệ tài sản đảm bảo cao", Ethan Vera, đồng sáng lập của công ty khai thác Bitcoin Luxor Technologies, nói. Theo Vera, nhiều thợ đào từng nghĩ họ sẽ ở trong một lĩnh vực có thể dễ dàng huy động vốn và đã mua hàng chục nghìn máy, đặt cọc nhưng giờ không thể hoàn thành nghĩa vụ.
Theo ước tính của chuyên gia này, các công ty khai thác tiền số đang vay nợ ít nhất 4 tỷ USD và thế chấp bằng máy móc, nhiều hơn cả các khoản vay được thế chấp bằng token.
Rủi ro cho giới đào Bitcoin
Theo Jaran Mellerud, nhà phân tích tại Arcane Crypto, chi phí để kiếm được một Bitcoin hiện vào khoảng 8.000 USD, với điều kiện máy khai thác là hàng mới và giá điện ở mức trung bình. Trên thực tế, nhiều thợ đào vẫn có thể có mức lợi nhuận khá với giá Bitcoin hiện tại.
Tuy nhiên, rủi ro đến từ việc nhiều công ty đào Bitcoin sử dụng các khoản vay để đầu tư. "Doanh thu giảm sẽ ảnh hưởng đến công việc của họ vì một số đã sử dụng các khoản vay và thế chấp để mua máy. Họ khó có thể thanh toán nếu như không bán đi một phần đáng kể các Bitcoin đang nắm giữ", Mellerud nhận định.
Theo giới chuyên gia, một sự rung chuyển trong ngành này có thể sắp xảy ra, đặc biệt với các đơn vị khai thác đang có tỷ suất lợi nhuận âm, do họ đã mua thiết bị đắt tiền từ nhiều tháng trước vì tin Bitcoin sẽ tăng giá.
"Với một số thợ đào, nếu tính cả số tiền bỏ ra cho cơ sở hạ tầng và lãi vay, tổng chi phí cho một Bitcoin có thể trên 20.000 USD, tương đương giá Bitcoin hiện tại", Wilfred Daye, Giám đốc điều hành của Securifying Capital, cho biết.
Theo Will Foxley, Giám đốc công ty Compass Mining chuyên hỗ trợ tài chính cho các thợ đào tiền số, khả năng huy động vốn và cơ hội vay cho giới đào Bitcoin đang cạn kiệt dần.
"Khi giá Bitcoin rơi xuống vực, giá máy còn giảm nhiều hơn do mọi người sẽ chẳng muốn dùng những máy này cho việc gì", Foxley đánh giá.
Lưu Quý (theo Bloomberg)