Kinh doanh online vốn là hình thức chiếm ưu thế trong những năm gần đây. Đặc biệt, hiện nay khi dịch Covid-19 đang có tác động mạnh đến các loại hình kinh doanh trực tiếp thì kinh doanh online lại tiếp tục được lên ngôi. Người dân bắt đầu yêu thích loại hình mua bán thuận tiện này, thậm chí "nghiện". Tuy nhiên ẩn trong loại hình buôn bán đậm chất 4.0 này cũng chứa nhiều hiểm họa khôn lường, không tìm hiểu kỹ thì sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của những shop bán hàng giả tinh vi.
Cách đây vài ngày, vợ của một diễn viên hài có tiếng đã bị phạt hơn 50 triệu, đình chỉ kinh doanh hoạt động 2 tháng vì bán nước hoa giả mạo nhãn hiệu của Gucci, Chanel. Trước khi bị xử phạt, 1.118 chai dầu thơm "pha ke" đã được đăng bán trực tuyến. Và gần đây nhất có tới 3 shop với lượng tương tác khủng trên một sàn thương mại điện tử bị tố cáo bán The Ordinary Fake. Được biết, một trong 3 shop này được các Beauty Blogger nổi tiếng tin tưởng và giới thiệu cho khán giả của họ.
"Khẳng định luôn, mọi người đưa cái chai này lên tất cả các group check the Ordinary, không một ai check ra nó là hàng Fake" một beauty blogger chia sẻ
Các mặt hàng được làm giả hiện nay tương đối đa dạng và hết sức tinh vi, sản phẩm được làm giả, làm nhái (fake) có thể giống đến 99,99% hàng thật. Nếu không có sự kiểm tra và so sánh kỹ lưỡng giữa giá cả và bao bì thì khách hàng sẽ rất dễ mua phải hàng nhái. Chai The Ordinary nghi fake vừa được phát hiện có vỏ bọc vô cùng hoàn hảo từ bao bì đầy đủ thông tin chi tiết, đến màu của sản phẩm.
Dấu vết của một sản phẩm đang bị nghi là giả này được giấu rất kỹ ở cạnh hộp, điều này khiến gần 40 nghìn người trở thành nạn nhân. Serum trị mụn nhưng mụn vẫn còn đó và tiền thì đã mọc cánh bay mất.
Bên cạnh những sản phẩm nhái được sản xuất khá kỹ thì cũng có những sản phẩm fake được bán ra rất dễ để nhận biết, nhưng lượng khách hàng tìm đến lại tương đối lớn. Được biết những mặt hàng rõ fake này bán ra với giá tương đối rẻ, có lẽ vì thế mà nhiều khách hàng vẫn "nhắm mắt làm ngơ", mua về để sử dụng.
"Mình biết rõ nó là fake nhưng phù hợp với túi tiền sinh viên của mình nên mình mua. Và mình thấy dùng cũng không quá tệ"
Bạn Thu Thêm (Đống Đa, Hà Nội) đã mua một chai nước hoa Fake của Burberry chia sẻ
Hành vi ấy vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái phát triển mạnh mẽ hơn. Đối với những khách hàng "may mắn" khi mua phải hàng giả thì chỉ biết than trời, trách mình
Bạn Thái Sơn (Hà Nội) chia sẻ: "Vài ngày trước, mình có mua một lọ lăn khử mùi ở một shop online đã bán hơn 4 nghìn sản phẩm. Khi hàng về, mình kiểm tra thì thấy mùi nó rất khác với lọ ngày trước mình dùng, chữ in ở chai thì mờ nhạt, bi lăn cũng không giống với cái cũ. Nhắn tin cho shop thì không thấy trả lời"
Cùng một nỗi niềm, bạn Hồng Hải (Hà Nội) cho biết: "Hai tháng trước, mình lên mạng mua chai TO về trị mụn nhưng trị mãi chẳng hết. Cách đây vài giờ thì nghe được tin nghi vấn shop bán hàng giả, tò mò mở hộp kiểm tra thì phát hiện mình là nạn nhân. Chẳng biết phải làm gì nữa"
Ngoài việc đăng trực tiếp các sản phẩm lên chợ online, một số người kinh doanh đã đổi hình thức "khôn ngoan" hơn, đó là chỉ bán các sản phẩm Fake trên sóng Livestream. Đơn cử như một shop khá nổi tiếng trên sàn thương mại điện tử với hơn 70 ngàn lượt theo dõi mang tên "sinsin097" đã từng live để bán nước hoa Burberry fake với giá 300.000đ/chai. Hình thức này giúp các nhà kinh doanh dễ dàng né được sự quản lý của cơ quan chức năng và cũng dễ dàng xoá dấu vết vì không có lịch sử mua hàng lưu lại.
Mặc dù Bộ Công thương đã có yêu cầu các sàn TMĐT, chủ sở hữu website mua bán... siết chặt kiểm duyệt hàng hóa trên mạng, tuy nhiên đến hiện tại lời yêu cầu này đang bị ngó lơ. Đáng nói, khi bị nghi vấn là hàng giả thì một số người kinh doanh còn tuyên bố rất đanh thép, điển hình như lời "thánh livestream" trước khi bị phạt: "Lên công an thưa đi, đừng comment hàng giả mệt quá"
Hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn trong kinh doanh, nếu không có sự quản lý nghiêm ngặt từ các sàn thương mại điện tử và ý thức tự giác loại bỏ của khách hàng thì có lẽ sẽ còn rất nhiều người lâm vào tình cảnh những nạn nhân đáng thương.
Cách kiểm tra hàng nhái
Có 2 cách để bạn dễ dàng phân biệt hàng giả, hàng nhái
Cách 1: Sử các app check mã vạch trên điện thoại. Cách này thông dụng nhất nhưng độ chính xác chỉ nằm ở 50 - 60 phần trăm
Cách 2: Kiểm tra số mã vạch thủ công. Độ chuẩn xác của cách này là rất cao
Mã vạch có 2 loại: mã 8 con số và mã 13 con số, cả 2 mã đều có cách nhận biết giống nhau.
Cách ghi nhớ đơn giản là "chẵn nhân ba cộng lẻ" sau đó cộng với số cuối cùng, nếu tổng có đuôi là số 0 là hàng thật, còn nếu khác 0 là giả.
Công thức như sau:
D=A+B*3
Trong đó
A là tổng các số ở vị trí lẻ
B là tổng các số oét vị trí chẵn
Nếu D là số có đuôi là 0 thì sản phẩm đó là hàng thật.