Đây là chia sẻ của ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 24/12.
Năm nay Cục Thuế Hà Nội đã tăng cường triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
“Cục Thuế đã thực hiện nhận diện mô hình hoạt động, dòng tiền của các hoạt động thương mại điện tử. Từ đó thực hiện phân loại các nhóm đối tượng quản lý liên quan đến hoạt động này và xác định biện pháp cụ thể đối với từng nhóm”, ông Mai Sơn chia sẻ.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tham dự hội tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: TCT. |
Thu 14.000 tỷ từ cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết tính đến cuối năm nay, tổng số tiền thuế các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số đã nộp vào ngân sách là gần 14.000 tỷ đồng, tương đương 6% tổng thu ngân sách và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Trong đó, với nhóm người nộp thuế có thu thập từ các tổ chức nước ngoài Google, Facebook…, Cục Thuế thành phố đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước ngoài với số thuế đã nộp năm nay là 56 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục rà soát 503 người nộp thuế có doanh thu 498 tỷ, dự kiến thu 35 tỷ đồng vào ngân sách.
Với nhóm kinh doanh bán hàng trực tuyến, ông Mai Sơn cho biết Cục Thuế đang quản lý dữ liệu của 32.085 địa chỉ bán hàng online, trong đó, 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu/năm. Cơ quan thuế đã tiến hành rà soát đưa vào quản lý 1.332 người nộp thuế với số nộp ngân sách 12 tỷ đồng và đang tiếp tục rà soát 2.056 cơ sở bán hàng online còn lại.
Với nhóm kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng, Cục Thuế Hà Nội đang quản lý dữ liệu của 756 chủ cơ sở với 2.307 địa chỉ cho thuê nhà. Trong đó, 49 chủ cơ sở có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, doanh thu ước tính 10 tỷ đồng, dự kiến số thu ngân sách đạt 1 tỷ đồng.
Cục Thuế TP Hà Nội đang quản lý 465 cá nhân có doanh thu từ Google, Facebook, YouTube... Ảnh: Hoàng Giang. |
Cơ quan thuế Hà Nội cũng đã thu thập và quản lý dữ liệu phát sinh của 1.447 tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài. Trong đó, số tiền chi trả khoảng 46 tỷ đồng và dự kiến phải nộp 4,6 tỷ đồng vào ngân sách.
Riêng với nhóm doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Shoppe..), doanh nghiệp điều hành các app trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển, Cục Thuế Hà Nội đã hoàn thành thanh kiểm tra tại 6 doanh nghiệp và truy thu, phạt 1,9 tỷ đồng, giảm lỗ 66 tỷ đồng.
Các kết quả trên đã giúp Cục thuế Hà Nội quản lý chặt chẽ, đầy đủ các đối tượng nộp thuế theo quy định và góp phần tăng thu ngân sách khoảng 110 tỷ đồng.
Cá nhân có doanh thu từ Google, Facebook nộp gần 500 tỷ đồng
Chia sẻ về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử kể trên, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Cục Thuế tăng cường các giải pháp quản lý, đặc biệt với nhóm cá nhân, doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.
Qua rà soát, cơ quan thuế đã thu được 1.314 tỷ đồng từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook…
Bên cạnh đó, số thu từ cá nhân tự kê khai, truy thu, tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới với Google, Facebook, YouTube... cũng là 498 tỷ đồng.
SỐ THU THUẾ NĂM 2021 | |||||||||||||
Nguồn: Tổng cục Thuế; Tổng hợp | |||||||||||||
Nhãn | Tháng 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 24/12 | |
Số thu trong tháng | tỷ đồng | 134000 | 112449 | 100897 | 120742 | 94272 | 94014 | 107431 | 68852 | 52000 | 121482 | 151134 | 330826 |
Lũy kế từ đầu năm | 134000 | 246449 | 347346 | 468088 | 562360 | 656374 | 763805 | 855384 | 907384 | 1028866 | 1180000 | 1510826 |
Về tổng thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý năm nay, bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý vẫn vượt dự toán hơn 177.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo ước thu năm nay từ các Cục Thuế, có 60/63 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu, 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán.
Cùng với đó, cơ quan thuế đã triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính trong việc miễn, giảm, gia hạn thuế.
Trong đó, cơ quan thuế đã nhận được gần 140.000 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 92.900 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 11, cơ quan thuế đã miễn giảm khoảng 3.500 tỷ đồng tiền thuê đất theo quyết định của Thủ tướng; giảm 19.700 tỷ đồng tiền thuế theo nghị quyết của Quốc hội và nghị định của Chính phủ.
Trong đó, riêng với thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng số thuế phát sinh năm nay dự kiến được giảm vào khoảng 2.200 tỷ. Với thuế giá trị gia tăng, từ 1/11 sẽ thực hiện giảm 30% thuế suất đối với một số dịch vụ, theo đó, số thuế GTGT phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11 sẽ kê khai và nộp trong tháng 12, dự kiến giảm thu khoảng 1.650 tỷ đồng.
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, ước tính số thuế được miễn đến hết tháng 12 là 6.698 tỷ đồng, số thuế đã nộp sẽ được trừ trong năm 2022.
Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đã gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định 104/2021 với khoảng 4.000 tỷ đồng.