Hà Nội phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số

14/04/2022, 10:01

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, thành phố (TP) Hà Nội đang tập trung phát triển một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng như: Đất đai, dân cư, bảo hiểm, hộ tịch, thông tin quy hoạch, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, y tế...

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Thành phố - đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 TP Hà Nội (Đề án 06), đến nay, 14/25 dịch vụ công thiết yếu cấp độ 3, 4 đã được Hà Nội triển khai đúng tiến độ, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Mới đây, CATP đã phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 tại 3 điểm ở phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).

Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, việc triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến tập trung vào nhóm tiện ích phục vụ dịch vụ công; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, tổ chức thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại cơ sở. Theo Công an Thành phố, Đề án 06 liên quan đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp.

Mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 tại 3 điểm ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy

Bên cạnh việc phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng Dịch vụ công Thành phố, hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng cùng 3 cấp để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4… Hà Nội cũng đang tập trung duy trì, phát triển một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng như: Đất đai, tài chính, bảo hiểm, hộ tịch, thông tin quy hoạch, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, y tế... nhằm phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính số giai đoạn 2015-2022; tích hợp đưa 20 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công Thành phố Hà Nội và Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hội Nông dân và Bưu điện TP Hà Nội thống nhất phối hợp rà soát, thu thập thông tin của hơn 165.000 hộ sản xuất nông nghiệp giỏi, các tổ hợp tác, HTX tiêu biểu với các loại nông sản an toàn, chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các sản phẩm OCOP... để tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và Agri-postmart.vn.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị, được lãnh đạo Thành phố rất quan tâm, ủng hộ. Trước đó, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 07/01/2022 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của TP Hà Nội.

Với quy mô hơn 2.700 trường học, hơn 2 triệu học sinh và 159.400 cán bộ, giáo viên, ngành giáo dục Hà Nội xác định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng hướng đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chất lượng giáo dục. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi, tuyển sinh, năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục áp dụng tuyển sinh trực tuyến đối với các cấp học. Đối với công tác quản lý giáo dục, đến nay, 100% số cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP đã triển khai sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm, học bạ, cập nhật hằng ngày để chuyển thông tin của học sinh đến phụ huynh thông qua kết nối điện thoại thông minh.

Chương trình chuyển đổi số là một hành trình với những bước đi và lộ trình triển khai phù hợp; có tính động, mở, bao trùm, tạo nền móng, làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP. Việc Hà Nội ưu tiên chuyển đổi số vào những ngành, lĩnh vực như tài nguyên môi trường, nông nghiệp, công an, giáo dục… sẽ tạo thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

HÀ LINH

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO