Mở “gian hàng số” cho nông dân tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022

13/04/2022, 09:36

Sáng ngày 12/4, Hội Nông dân Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội nghị hướng dẫn tham gia gian hàng trực tuyến tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại Sơn La trên nền tảng sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.

500 gian hàng trực tiếp và 65 gian hàng trực tuyến

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính và Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Kiên Cường cùng chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Hà Nội và điểm cầu ở các tỉnh, thành phố, trong đó có sự tham gia của 63 Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh, thành phố theo dõi chương trình phối hợp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính cho biết: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hiện đang phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La". Chương trình dự diến sẽ diễn ra trong tháng 5 tới đây.

Mở “gian hàng số” cho nông dân tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính phát biểu tại Hội nghị

Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 432 ngày 28/3/2022 về việc tổ chức "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam" và Kế hoạch số 421 ngày 21/3/2022 về việc tổ chức "Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La".

Theo đó, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam được tổ chức trực tiếp tại thành phố Sơn La và trực tuyến tại 62 điểm cầu tỉnh, thành phố và chuỗi hoạt động lồng ghép.

Chương trình "Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La" bao gồm chuỗi hoạt động với nhiều nội dung đa dạng, phong phú. Chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các sản phẩm trái cây đặc hữu và sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính cho biết: Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 có quy mô hơn 500 gian hàng trực tiếp và 65 gian hàng trực tuyến trên nền tảng sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Theo đó, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam xây dựng mỗi tỉnh một gian hàng trực tuyến trên nền tảng sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Mở “gian hàng số” cho nông dân tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022 - Ảnh 2.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Kiên Cường khẳng định: Việc tổ chức gian hàng số giúp Hội ND, Bưu điện hỗ trợ nông dân tiếp cận mới, tham gia sâu vào hoạt động chuyển động số.

Phó Chủ tịch Đính Khắc Đính nhấn mạnh, việc xây dựng mỗi tỉnh một gian hàng trực tuyến trên nền tảng sàn thương mại điện tử Postmart.vn là hoạt động mới nên nhiều tỉnh, thành vẫn còn lúng túng. Do đó, Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để việc triển khai các gian hàng trực tuyến cũng như gian hàng trực tiếp được tổ chức thành công và đem lại hiệu quả thiết thực.

Tại hội nghị, đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã giới thiệu, thông tin demo các gian hàng, các hoạt động trên không gian mạng của hội chợ trực tuyến tại Festival; trình bày các chính sách hỗ trợ, duy trì và phát triển gian hàng sau Festival.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Kiên Cường – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho rằng: Trong quá trình triển khai thực hiện đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử sẽ có phát sinh nhiều vấn đề cần làm rõ, trao đổi để phối hợp nhịp nhàng giữa các bên.

Đối với việc xây dựng gian hàng trực truyến tại các Bưu điện tỉnh, thành cần phối hợp triển khai thống nhất ở các điểm như: Việc mở gian hàng là dễ nhất nhưng cũng cần phải cử người xử lý đơn hàng thường xuyên. Quá trình vận hành đơn hàng hoặc gom hàng trực tuyến có thể bị trễ về thời gian nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên.

Giúp nông dân tham gia gian hàng số

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Kiên Cường cũng nhấn mạnh lại một số điểm để phía Bưu điện cũng như Hội Nông dân các tỉnh, thành có định hướng triển khai tốt chương trình này.

"Thoả thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam có nhiều nội dung lớn. Lãnh đạo 2 ngành đều kỳ vọng với sự hợp tác chặt chẽ giữa Hội Nông dân và Bưu điện từ Trung ương tới địa phương cấp xã sẽ hỗ trợ tối đa người dân tiếp cận với mô hình mới là kinh tế số theo định hướng của Chính phủ.

Mở “gian hàng số” cho nông dân tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022 - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị hướng dẫn tham gia gian hàng trực tuyến tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại Sơn La trên nền tảng sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.

Chương trình tạo lập gian hàng số là chương trình đầu tiên trong nội dung thoả thuận hợp tác giữa 2 ngành. Việc tổ chức gian hàng số giúp Hội ND, Bưu điện hỗ trợ nông dân tiếp cận mới, tham gia sâu vào hoạt động chuyển động số.

Ông Cường đề nghị Hội ND, việc thiết lập gian hàng số phải tuân theo hướng dẫn chung, đồng thời có điểm nhấn riêng của địa phương. Số lượng và chất lượng sản phẩm đưa lên gian hàng cần lưu ý chủ điểm Festival là trái cây và OCOP. Do đó, các tỉnh, thành cần ưu tiên lựa chọn những sản phẩm phù hợp với chủ đề festival và mang tính đại diện, đặc thù, đặc hữu riêng của từng địa phương.

"Đây là mô hình mới, gian hàng số về bản chất chỉ là phương thức mới để chúng ta tiếp cận nhanh hơn với người dân và khách hàng ở nơi khác nhưng bản chất quy trình vận hành vẫn là câu chuyện kết nối cụ thể ở địa phương mình. Khi có đơn hàng, bắt buộc các bộ phận đầu mối vẫn phải đóng hàng, tổ chức kết nối, thu tiền. Như vậy quy trình vận hành chặt chẽ là mấu chốt thành công.

Phía Bưu điện phải thiết lập quy trình vận hành để phối hợp cùng Hội Nông dân. Các vấn đề phối hợp cần linh động, giảm thiểu hành chính để đảm bảo vận hành nhanh và hiệu quả nhất. Về phía Hội Nông dân các tỉnh, thành cần làm việc với đầu mối cung cấp nông sản, đảm bảo nguồn hàng thường xuyên, tránh trường hợp chốt đơn lại không đủ hàng giao cho khách" - ông Cường nhấn mạnh.

Tại hội nghị, phát biểu của lãnh đạo Hội Nông dân và Bưu điện một số tỉnh, thành phố đã khẳng định, việc phối hợp mở các gian hàng trực tuyến trên nền tảng sàn thương mại điện tử Postmart.vn trong chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân và Chương trình "Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La" là rất thiết thực. Tuy là chương trình mới nhưng cán bộ hội viên nông dân các tỉnh thành đều rất háo hức và đang khẩn trương bắt tay vào triển khai.

Từ điểm cầu Cần Thơ, lãnh đạo Bưu điện Cần Thơ cho biết, đến nay, Bưu điện và Hội ND đã phối hợp lựa chọn được 25 chủ thể là nhà cung cấp các nông sản đặc sản ở Cần Thơ. Tại gian hàng trực tuyến tại Chương trình Festival, Cần Thơ đăng ký 10-15 sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản địa phương. Hiện, bưu điện đang thu thập thông tin đầy đủ sản phẩm cũng như triển khai công tác đóng gói, thu gom nông sản chuẩn bị đưa lên sàn.

Bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ– Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh nhấn mạnh: Việc phối hợp triển khai các gian hàng số trên sàn thương mại điện tử là hoạt động rất ý nghĩa.

"Đây là cơ hội để tốt để nông sản vùng miền giao thoa và lan toả. Hiện, chúng tôi đang thu thập đầy đủ thông tin để đưa sàn phẩm lên sàn. Hội Nông dân cũng phối hợp Văn phòng điều phối nông thôn mới, Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn các sản phẩm và thống nhất xây dựng gian hàng tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La với số lượng là 2 gian hàng"-bà Thuỷ nói.

Mở “gian hàng số” cho nông dân tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022 - Ảnh 4.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Hà Nội và điểm cầu ở các tỉnh, thành phố, trong đó có sự tham gia của 63 Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh, thành phố theo dõi chương trình phối hợp.

Đối với sự kiện tham gia Fastival trái cây và sản phẩm OCOP, ông Trần Bình Quân – Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Hiện nay, nhiều loại trái cây ở miền Bắc chưa vào chính vụ nên việc đưa trái cây là đặc sản của các vùng đi trưng bày rất khó. Chính vì vậy, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với Thanh Hóa, có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP 3sao , 4 sao, Hội sẽ kết nối với các doanh nghiệp, HTX để lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu để tham gia. Sau việc tổ chức sự kiện này, hy vọng bà con nông dân bán được nhiều sản phẩm hơn.

Nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề chi phí, trưng bày, trang trí cho gian hàng cũng đều được Ban tổ chức giải đáp kịp thời. Cụ thể như, mỗi tỉnh, thành được Ban tổ chức hỗ trợ miễn phí 2 gian hàng trưng bày, gian hàng thứ 3 trở đi sẽ được giảm giá 50% (mỗi gian hàng có giá 7 triệu đồng), kèm theo mỗi gian hàng được trang bị 1 bàn, 2 ghế. Còn những vấn đề về trang trí, cách trưng bày cụ thể như nào thì các đơn vị tham gia tự lo.

Ông Lường Trung Hiếu – Chủ tịch Hội ND tỉnh Sơn La cũng cho biết thêm: Hiện nay, công tác chuẩn bị theo hướng dẫn của Trung ương Hội NDVN đã cơ bản hoàn thành. Sơn La có bộ phận liên lạc với các tỉnh, thành Hội về số lượng gian hàng tham gia; bộ phận đón tiếp các đoàn đại biểu tham dự…. Trước khi sự kiện diễn ra, Hội ND và Bưu điện tỉnh sẽ triển khai thí điểm tiêu thụ mận hậu Sơn La ở 30 tỉnh, thành; khai trương 5 gian hàng ở các bưu cục trên toàn tỉnh để giới thiệu sản phẩm OCOP. Chính vì vậy, Hội ND tỉnh đề nghị sớm có bộ nhận diện thương hiệu chuỗi cửa hàng để 2 bên thực hiện tốt kế hoạch đề ra.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO