168/193 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhờ ứng dụng CNTT
Theo UBND tỉnh Hà Giang, thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa giúp đồng bào tiếp cận thông tin chính thống kịp thời, nhanh chóng, chính xác.
Theo đó, những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, hầu hết các huyện/thành phố, xã/ phường/thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm; hệ thống hội nghị trực tuyến cơ quan Đảng, chính quyền của tỉnh kết nối với các cơ quan Trung ương và các huyện/thành phố thuộc tỉnh; 193/193 UBND xã/phường/thị trấn với quy mô 241 điểm cầu; có 992 trạm thu phát sóng (BTS), lắp đặt 2.168 thiết bị trạm 2G - 3G - 4G; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động, Internet băng rộng đạt 98,5% (khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%). Một số xã, phường, thị trấn được đầu tư triển khai mạng nội bộ LAN, phục vụ ứng dụng “một cửa” điện tử liên thông từ tỉnh đến xã.
Nhờ hệ thống hạ tầng CNTT đồng bộ trên toàn tỉnh nên đã giúp việc ứng dụng CNTT, mạng xã hội trong phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Hà Giang tiến hành một cách thuận tiện, nhanh chóng. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân trong tìm hiểu thông tin về pháp luật, tạo chuyển biến trong tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, nhờ tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối Internet ngày càng phổ biến, không chỉ ở khu vực thành thị mà ngay cả ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, thời gian qua nhiều địa phương, sở, ngành, đoàn thể của tỉnh Hà Giang đã sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube để tuyên truyền PBGDPL. Cách làm này phát huy hiệu quả rất cao, phù hợp đối với địa hình ở vùng núi đi lại khó khăn, đặc biệt trong thời gian dịch COVID–19 hoành hành, giúp bà con DTTS chủ động nắm bắt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước mọi nơi, mọi lúc.
Trên website, fanpage của các đơn vị như: Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Báo Hà Giang; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Tỉnh đoàn; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh... đã tuyên truyền sâu đậm các tin, bài, ảnh về bầu cử, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giới thiệu văn bản pháp luật mới… đến người dân một cách đa dạng, kịp thời và chính xác.
Cùng với đó, rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai PBGDPL qua mạng xã hội, thông qua hình thức tạo các trang thông tin về pháp luật; xây dựng tủ sách pháp luật điện tử, có sự tư vấn, phối hợp của các phòng, ban chuyên môn như: Phòng Tư pháp, Công an huyện, thu hút đông đảo người truy cập. Đồng thời, tăng cường đăng tải các bài viết về pháp luật trên các kênh thông tin địa phương như Đài Phát thanh, Truyền hình huyện cung cấp những thông tin chính thống kịp thời và đa dạng.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL, Sở Tư pháp đã liên hệ, tiếp nhận, tích hợp, vận hành cấu trúc tài khoản Trang thông tin điện tử PBGDPL do Bộ Tư pháp cung cấp trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PBGDPL trong toàn tỉnh; tổ chức tập huấn cho các báo cáo viên, truyên truyền viên pháp luật kỹ năng sử dụng và khai thác Trang thông tin điện tử PBGDPL để phục vụ cán bộ, nhân dân.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có 168/193 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân. Tại các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL đã giúp mở rộng đối tượng tiếp nhận và nội dung tuyên truyền, tạo thuận lợi cho người dân trong việc nắm bắt các chính sách pháp luật mới. Không những vậy, còn giúp đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, đội ngũ tuyên truyền viên tiếp cận được nguồn tài liệu phong phú, đa dạng hơn. Từ đó, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật và chất lượng các buổi tuyên truyền, phổ biến tại các xã, thị trấn.
Nhờ ứng dụng CNTT, việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật qua các trang thông tin điện tử, đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã và đang phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí. Qua đó, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, người dân trong quá trình tiếp cận thông tin pháp luật. 100% các xã, phường, thị trấn đã kiện toàn bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Vận hành hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - Viễn thông, Internet
Theo Sở TT&TT tỉnh Hà Giang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - trong đó có dự án “Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin”, các cấp chính quyền địa phương đã phát đài radio cho người dân ở vùng sâu, vùng xa; có hệ thống loa truyền thanh không dây hoạt động ở các xã, phường, thị trấn, giúp người dân kịp thời cập nhật các thông tin thời sự, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Đặc biệt, Sở TT&TT Hà Giang đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Sở đã tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống Đài Phát thanh, Truyền hình cấp huyện/thành phố, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện lịch sử theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ TT&TT, đảm bảo thông tin khách quan, trung thực, đúng định hướng; tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra. Sở TT&TT đã tiếp nhận, sao gửi nhiều tài liệu phục vụ công tác thông tin cơ sở do Bộ TT&TT sản xuất với nhiều loại hình: tài liệu in, đĩa DVD, link chương trình phát thanh…
Ngoài ra, Sở TT&TT đã xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 04/5/2020 về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng và triển khai hoàn thiện phần mềm quản trị thông tin cơ sở để quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - viễn thông, Internet (Đài TTCS Internet) và hệ thống biển thông tin điện tử trên toàn tỉnh.
Đơn vị cũng triển khai Dự án thiết lập, nâng cấp Đài Truyền thanh tại các xã trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT), Tập đoàn VinGroup khảo sát để thiết lập Đài Truyền thanh cho 08 xã năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 110/193 xã, phường, thị trấn có Đài Truyền thanh cơ sở hoạt động ổn định, trong đó có 58 đài TTCS Internet. Hàng năm, UBND tỉnh, UBND cấp huyện cấp kinh phí để thực hiện thiết lập, nâng cấp, sửa chữa Đài Truyền thanh Internet tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Song song với đó, Sở TT&TT Hà Giang đã triển khai ứng dụng CNTT vào truyền thanh Internet không dây (hệ thống truyền thanh thông minh); sử dụng đường truyền qua Internet, qua cáp quang, qua Sim 3G, 4G, các loa đều được quản lý trên một hệ thống đồng bộ, liên thông. Đi kèm với đó là việc phân quyền quản lý theo từng cấp tạo điều kiện cho các cán bộ làm công tác văn hóa dễ vận hành, chủ động được nguồn tin. Ngoài việc sử dụng nguồn tin chính thống từ Trung ương thì cán bộ văn hóa xã có thể chủ động biên tập, viết bài đăng tài trên hệ thống loa truyền thanh này, kiểm soát khung giờ phát và vận hành rất đơn giản trên máy tính. Cán bộ vận hành không nhất thiết phải trực tiếp thao tác việc tắt hoặc mở thiết bị ấy mà có thể vận hành từ xa.
Để triển khai có hiệu quả truyền thanh thông minh, Sở TT&TT đã thiết lập cổng truyền thanh cơ sở, thống nhất chung cho toàn tỉnh, theo một mô hình chuẩn để cơ quan quản lý về thông tin có thể quản lý được theo từng cấp.
Có thể khẳng định, việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong công tác giảm nghèo về thông tin, góp phần PBGDPL đã có những đột phá, tạo chuyển biến lớn không chỉ trong các cơ quan, đơn vị mà còn nâng cao giá trị đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc ở Hà Giang.