Đột phá trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến

30/08/2021, 10:00

Những tháng đầu năm 2021, tỉnh ta đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) như: hoàn thành cung cấp 100% DVCTT mức độ 4 trên Cổng cung cấp DVCTT tỉnh tại địa chỉ dichvucong.namdinh.gov.vn; tháng 6-2021, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) hoàn thành việc kết nối và đưa vào sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tháng 7-2021, tỉnh ta tiếp tục hoàn thành việc kết nối, tích hợp cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính đối với hộ gia đình, cá nhân trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đưa tỉnh ta trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện việc kết nối này. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Sở TT và TT và các ngành, địa phương liên quan mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp trong cung cấp DVCTT.

Công an thành phố Nam Định thực hiện cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Ảnh: Xuân Thu

Cung cấp DVCTT là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của tỉnh. Từ tháng 7-2018, Cổng cung cấp DVCTT đi vào hoạt động tích hợp Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Hệ thống Cổng DVCTT luôn được Sở TT và TT vận hành ổn định; song tính đến tháng 3-2020, tổng số mới có 100 DVCTT mức độ 4 được cung cấp, chiếm 5,83%, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại thời điểm đó, số liệu thống kê trên cho thấy, nếu không triển khai quyết liệt, tỉnh ta khó có thể hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 30% DVCTT mức độ 4 trong năm 2020 theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 17 ngày 17-3-2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020 định hướng đến năm 2025. UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo Sở TT và TT, các ngành chức năng cùng tập trung thực hiện mục tiêu mở rộng tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 4. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin sẵn có của tỉnh, Sở TT và TT đã yêu cầu các đơn vị viễn thông hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin đưa ra các giải pháp kỹ thuật khung cho DVCTT đối với từng lĩnh vực sao cho vừa chính xác, vừa có tính tùy biến cao, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện địa phương. Sở TT và TT chủ động hỗ trợ các sở, ngành, địa phương hoàn thành cung cấp DVCTT mức 4 thông qua việc tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC làm cơ sở xây dựng dữ liệu và hoàn thiện DVCTT để tích hợp, cung cấp trên Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh. Các lĩnh vực được ưu tiên tập trung như: Tư pháp, giao thông vận tải, đầu tư, xúc tiến thương mại, tài nguyên môi trường, lao động việc làm, y tế, công thương… Đồng thời kết nối với các ngân hàng hoàn thiện biên lai, hóa đơn điện tử cho các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC cấp xã. Sở TT và TT phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) và Cục Tin học hóa (Bộ TT và TT) để hoàn thiện kết nối các trung gian thanh toán vào Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh để hỗ trợ tốt nhất người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện giải quyết TTHC qua DVCTT mức độ 4. Đến nay, Cổng DVCTT của tỉnh đã cung cấp 1.640 dịch vụ mức 4, đạt tỷ lệ 100% (trừ các dịch vụ đặc thù không thể sử dụng trực tuyến). Số DVCTT mức 4 được cung cấp ở cấp huyện là 194 dịch vụ, đạt 100%. Con số này ở cấp xã, phường, thị trấn là 120 dịch vụ. Trong đó trên 50% số lượng DVCTT mức độ 3, 4 của tỉnh thường xuyên phát sinh hồ sơ. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã phát sinh 21.718 hồ sơ dịch vụ công mức độ 3, 4; 569 hồ sơ TTHC của người dân và doanh nghiệp phát sinh thanh toán trực tuyến, tổng số tiền thực hiện thanh toán trực tuyến là trên 46 triệu đồng. Trên Cổng DVCTT quốc gia, tỉnh ta đang là địa phương dẫn đầu cả nước về cung cấp DVCTT mức độ 4; 328 dịch vụ công của tỉnh có phát sinh phí, lệ phí và tích hợp với nền tảng thanh toán trực tuyến. Trong đó tỉnh đã thí nghiệm đề nghị Bộ TT và TT, Bộ Công an cấp tài khoản, quyền khai thác đối với 236 DVCTT cho các sở, ngành, 3 huyện và 25 xã, phường của thành phố Nam Định. Hướng dẫn các sở, ngành, UBND 10 huyện, thành phố, UBND 226 xã, phường thị trấn triển khai việc ký cam kết trong việc sử dụng, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Bộ Công an. 

Đồng chí Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở TT và TT cho biết: Bước đột phá trong xây dựng DVCTT để Nam Định có thể hoàn thành vượt mức chỉ tiêu cung cấp DVCTT mức 4 trong thời gian ngắn đó là: sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, quyết tâm cao của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức. Nền tảng công nghệ thông tin của tỉnh được triển khai đồng bộ với nhiều ứng dụng của tỉnh như hệ thống quản lý văn bản, hệ thống một cửa điện tử, chữ ký số… nên việc triển khai DVCTT thuận tiện, luôn sẵn sàng ở mức cao nhất và đáp ứng đối với các yêu cầu kết nối, các API kết nối mà các nền tảng, phần mềm khác yêu cầu. Thời gian tới, Sở TT và TT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết, sử dụng DVCTT nhiều hơn, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội, giảm áp lực công việc cho bộ máy Nhà nước và góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phát triển kinh tế vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Sở TT và TT tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn thông tin cho hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh, tránh để xảy ra lộ lọt thông tin, mất an toàn trong giao dịch trực trực tuyến. Đồng thời, sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác giúp việc xác thực người dùng, giảm các giấy tờ không cần thiết, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp./.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO