Đẩy mạnh chuyển đổi số, bảo đảm an sinh cho người dân

13/12/2021, 10:00

Tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số và xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho người tham gia và phòng, chống trục lợi chính sách.

Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các ý kiến tại buổi làm việc nhận định, ngành bảo hiểm xã hội đã đạt những kết quả nổi bật trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm; quản lý tài chính, đầu tư quỹ; thanh tra, kiểm tra; cải cách hành chính; chuyển đổi số…

Đặc biệt, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt chỉ tiêu đề ra tại nghị quyết của Trung ương, chỉ trong hai năm gần đây tăng gấp ba lần so với giai đoạn 10 năm từ 2008-2018; bảo hiểm y tế cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân, về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại nghị quyết của Trung ương.

Bảo đảm an sinh cho người dân trong bối cảnh đại dịch

Tính đến hết tháng 11/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng trưởng so năm 2020, đạt 16,202 triệu người (tăng 38,7 nghìn người), bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, đạt 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức (vượt 1,6% chỉ tiêu được giao); hơn 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt hơn 90% dân số và phấn đấu đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ hơn 91%...

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, một số kết quả trong mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là trong triển khai chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116-NQ/CP của Chính phủ, tuy đây là vấn đề chưa được pháp luật quy định nhưng các cơ quan chức năng đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, giải quyết yêu cầu cấp bách phát sinh trong thực tiễn...

Thủ tướng cũng yêu cầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải rà soát, xây dựng lộ trình khắc phục hiệu quả các bất cập, hạn chế; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để “dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm” trong thực hiện chính sách. Đồng thời, giao các cơ quan chức năng tổng hợp các kiến nghị của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cũng như đặt lợi ích dân tộc quốc gia lên trên hết, trước hết.

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu…

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đánh giá cao và yêu cầu toàn ngành bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số và xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu; nâng cao năng lực, trình độ quản trị theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho người thụ hưởng và phòng chống trục lợi chính sách.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong những năm qua, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng. Chẳng hạn như, xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu với sáu trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu dân tương ứng với gần 27 triệu hộ gia đình trên toàn quốc (là nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm).

Vừa qua, ngành cũng hoàn thiện và đưa vào triển khai thành công ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số. Qua ứng dụng, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện các dịch vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Từ ngày 1/6/2021, đã chính thức triển khai, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn quốc, tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 25 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng…

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kịp thời cung cấp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu về người tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để phục vụ hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, như lập danh sách xét nghiệm, danh sách tiêm chủng vắc-xin, xác định thông tin bệnh nền, theo dõi, truy vết nhanh bệnh nhân Covid-19; khoanh vùng dập dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động…

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, bắt buộc để đổi mới căn bản phương thức hoạt động của ngành, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số. Thời gian tới, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của ngành với lộ trình theo từng phân kỳ, giai đoạn cụ thể; để hoàn thiện “hệ sinh thái bảo hiểm Xã hội 4.0” với mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO