Đào tạo thêm 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn

28/08/2023, 10:47

Trung tâm Đào tạo - Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM vừa phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Sun Electronics tổ chức tọa đàm "Đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch theo nhu cầu doanh nghiệp".

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng trong 20 năm qua, thị trường vi mạch bán dẫn Việt Nam phát triển không ngừng. Bên cạnh đó, nhu cầu về nguồn nhân lực thiết kế vi mạch ngày một tăng cao. Nhiều quốc gia phát triển về vi mạch bán dẫn đang có sự thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực thiết kế vi mạch đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. "Không thể công nghiệp hóa nếu không có ngành thiết kế vi mạch, vì đó là xương sống của ngành công nghiệp thời 4.0 và về sau nữa" - PGS Thi nhận xét.

Ở góc độ đào tạo, PGS-TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng Khoa Máy tính - Trường ĐH Công nghệ Thông tin TP HCM, cho rằng để hiện thực hóa mong muốn tham gia chuỗi vi mạch bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa hệ thống đào tạo của trường học với doanh nghiệp.

Trung tâm Đào tạo - Khu Công nghệ cao TP HCM huy động các trường đại học lớn, có uy tín hợp lực đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch

"Các doanh nghiệp nước ngoài rất muốn tuyển kỹ sư tốt nghiệp ĐH để làm việc cho họ. Chúng ta cần có giải pháp tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp để phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nước nhà" - PGS-TS Nguyễn Minh Sơn cho hay.

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Thi, mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm Đào tạo - Khu Công nghệ cao TP HCM sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Để có được đội ngũ này, trung tâm phải huy động các trường ĐH lớn, có uy tín hợp lực.

Là nhà khoa học tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam, GS-TS Đặng Lương Mô đánh giá chương trình do Trung tâm Đào tạo - Khu Công nghệ cao TP HCM xây dựng bao quát, đầy đủ. Tuy nhiên, ngoài kỹ năng thiết kế, kỹ sư cần biết thêm về quy trình chế tạo.

"Người thiết kế nếu không biết chế tạo sẽ là thiếu sót. Hiện nhiều trường ĐH ở Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới. Đó là tín hiệu khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt việc tạo nguồn lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn" - GS-TS Đặng Lương Mô nhận định.

Tin-ảnh: Ng.Huỳnh

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO