Công nghệ 5G sẽ tạo ra giá trị kinh tế khoảng 13.000 tỷ USD vào năm 2035

28/08/2023, 10:44

Công nghệ 5G được dự báo sẽ tạo ra giá trị kinh tế khoảng 13.000 tỷ USD vào năm 2035 và tạo ra 22.000 việc làm mới, ảnh hưởng rộng lớn lên rất nhiều ngành công nghiệp...

Trong chương trình Đối thoại với chủ đề “Phát triển mạng 5G make in Việt Nam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết lịch sử phát triển của ngành viễn thông đã chứng kiến sự thay đổi công nghệ thông tin di động, từ 2G lên 3G, 4G và bây giờ là 5G. Các thế hệ công nghệ sau lại có những đóng góp lớn hơn và theo những cách thức khác biệt hơn cho nền kinh tế, cho xã hội. 

5G ĐẠT CỘT MỐC 1 TỶ THUÊ BAO SỚM HƠN 4G LÀ 2 NĂM

“Với đặc điểm siêu băng rộng, độ trễ siêu thấp, độ tin cậy siêu cao, đặc biệt là mật độ IoT (Internet vạn vật) siêu cao, 5G kỳ vọng sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế xã hội. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi 5G được đầu tư và phát triển nhanh hơn nhiều so với các thế hệ công nghệ thông tin di động trước đó”, ông Đoàn Quang Hoan nói và khẳng định tất cả những điều này đều xuất phát từ những nhìn nhận giá trị đóng góp của 5G đối với sự phát triển hiện tại và tương lai gần của nền kinh tế xã hội, dẫn đến sự quan tâm và đầu tư lớn của các nước cho 5G.

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến tại tọa đàm “Phát triển mạng 5G make in Việt Nam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G” ngày 25-08-2023. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến tại tọa đàm “Phát triển mạng 5G make in Việt Nam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G” ngày 25-08-2023. Ảnh: Việt Dũng.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, mặc dù thử nghiệm 5G mới bắt đầu vào năm 2018 nhưng cho đến bây giờ, 5G đã đạt được hơn một tỷ thuê bao trên toàn cầu, nghĩa là sớm hơn mốc một tỷ thuê bao của 4G là hai năm.

Trên thế giới, thống kê của tổ chức di động thế giới GSACOM, đến hết quý 1/2023, thế giới có 249 mạng thương mại 5G tại 97 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 28,5% số nhà mạng đang hoạt động. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ có thêm 30 thị trường tham gia vào sân chơi thương mại hóa 5G.

Bày tỏ ý kiến của mình về tầm ảnh hưởng quan trọng của 5G, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, cho biết 5G có tác động tích cực, to lớn với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đối với các quốc gia trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. 

5G ĐÓNG VAI TRÒ LÀ HẠ TẦNG KẾT NỐI CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo ông Thiều Phương Nam, 5G đóng vai trò là hạ tầng kết nối trong chương trình chuyển đổi số. Những xu hướng công nghệ mới như điện toán đám mây hay trí tuệ nhân tạo (AI) rất quan trọng với chiến lược chuyển đổi số và 5G chính là nền tảng cốt lõi để mang lại một kết nối cần thiết, giúp hiện thực hóa những ứng dụng công nghệ mới này. Điều đặc biệt, 5G không chỉ hữu dụng ở smartphone, mà những ứng dụng của 5G rất đa dạng, thúc đẩy thay đổi hầu hết tất cả các ngành công nghiệp.

Ông Thiều Phương Nam:
Ông Thiều Phương Nam: "Việt Nam sẽ “hưởng lợi” rất nhiều từ những ứng dụng của 5G". Ảnh: Việt Dũng.

Dự báo, công nghệ 5G sẽ tạo ra giá trị kinh tế khoảng 13.000 tỷ USD vào năm 2035 và tạo ra 22.000 việc làm mới, ảnh hưởng rộng lớn lên rất nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất đến giao thông vận tải, y tế, nông nghiệp, giáo dục và những giải pháp thành phố thông minh.

Theo ông Thiều Phương Nam, Việt Nam sẽ “hưởng lợi” rất nhiều từ những ứng dụng của 5G đối với các lĩnh vực này, bởi vì Việt Nam hiện là một trung tâm sản xuất lớn, đồng thời đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, đơn cử như sự chuyển đổi từ ô tô đốt trong truyền thống sang ô tô điện, ô tô thông minh trong ngành giao thông; hay những ứng dụng drone, phân tích dữ liệu thời gian thực trong nông nghiệp thông minh...

“Chuyển đổi số cần hạ tầng kết nối lớn và 5G đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai những chương trình này”, ông Thiều Phương Nam khẳng định.

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G trong năm 2023 bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất, qua đó sẽ nâng cao năng lực tự chủ và phát triển công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.

Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tại tọa đàm “Phát triển mạng 5G make in Việt Nam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G” ngày 25-08-2023. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tại tọa đàm “Phát triển mạng 5G make in Việt Nam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G” ngày 25-08-2023. Ảnh: Việt Dũng.

Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết công cuộc chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, kinh tế số đòi hỏi phải làm chủ công nghệ, làm chủ quá trình sản xuất các thiết bị. 

“Thực ra, các thiết bị IoT đòi hỏi bảo mật rất cao, vì thế nếu chúng ta không kiểm soát được công nghệ, sản phẩm, chúng ta hoàn toàn có thể rơi vào tình huống mất an toàn, an ninh trên diện rộng”, lãnh đạo Tập đoàn Viettel nói.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO