Hạ tầng Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng đang được triển khai xây dựng ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Ảnh: PHẠM ĐĂNG KHIÊM |
Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư
Trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hạ tầng luôn là yếu tố đầu tiên được Đà Nẵng quan tâm đầu tư. Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến nay, Đà Nẵng đã có một số kết quả nổi bật về hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) như: đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng (mạng MAN) với tổng chiều dài 350km cáp quang ngầm, kết nối 145 cơ quan, đơn vị (bao gồm các cơ quan hành chính, các chi cục, đơn vị sự nghiệp, trung tâm y tế, Công an thành phố và Công an các quận huyện); hệ thống wifi công cộng có 430 trạm thu phát sóng (AP) chuyên dụng của thành phố và khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp (không kể các wifi tại nhà hàng, quán cà phê) phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng.
Trung tâm dữ liệu thành phố có dung lượng lưu trữ đến 170TB, được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn TIER III, sử dụng công nghệ ảo hóa, bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và đang được nâng cấp, mở rộng để triển khai các ứng dụng thành phố thông minh. Trung tâm được trang bị các hệ thống bảo đảm an toàn thông tin chuyên dụng, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013, triển khai mô hình “4 lớp” an toàn thông tin theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Cùng với đó, thành phố có Tổng đài dịch vụ công Nhà nước và tổ chức, công dân; hướng dẫn, hỗ trợ cho tổ chức, công dân thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử; giải đáp quy định, chính sách; làm các đường dây nóng góp ý, phản ánh cho người dân và cung cấp các thông tin liên quan của thành phố; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cho phép kết nối 75 điểm cầu.
Thành phố cũng đã thí điểm triển khai lắp đặt 8 trạm truyền dẫn vô tuyến, công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ rộng) tại tòa nhà Mobifone, Khu công viên phần mềm Đà Nẵng và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, hỗ trợ kết nối thiết bị đầu cuối IoT, có chi phí thấp và vùng phủ sóng rộng (thay vì dùng công nghệ 3G, 4G)...
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Đà Nẵng rất được quan tâm, đầu tư. TRONG ẢNH: Một góc phòng làm việc của Phòng vận hành hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ |
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, năm 2020, tổng doanh thu của ngành TT&TT thành phố đạt 30.383 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song ngành TT&TT đã nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao. Tính đến tháng 9-2021, tổng doanh thu ước đạt 20.214 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 65,5 triệu USD, đạt 60% so với kế hoạch, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28-8-2021 ban hành đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3266/QĐ-UBND ngày 1-9-2020 ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố.
Theo đó, nhằm hỗ trợ cho các ngành, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, Sở TT&TT đã triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký sử dụng các nền tảng số của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số tại địa chỉ http://smedx.mic.gov.vn. Đăng ký tham gia chương trình “Triển lãm thế giới số 2021” do Liên minh Viễn thông quốc tế tổ chức; kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán online miễn phí với Công ty cổ phần MISA. Đồng thời, sở cũng triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn...
Cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, việc ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch trong 2 năm qua được xem là điểm sáng của ngành TT&TT. Sở đã chủ động triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch như: ứng dụng quản lý khai báo, quản lý di chuyển, kiểm soát ra, vào, truy vết; ứng dụng quản lý xét nghiệm, tiêm chủng, cách ly; ứng dụng hỗ trợ thông tin, tuyên truyền, chỉ đạo, điều hành. Trong đó, lũy kế đến ngày 6-10-2021, hệ thống khai báo y tế thành phố đã phát sinh 6,13 triệu lượt khai báo y tế; số lượng kiểm soát qua quét QR code khai báo là 7,64 triệu lượt...
Ông Nguyễn Quang Thanh cho hay, trong giai đoạn tiếp theo, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị để triển khai các giải pháp đã có, đồng thời tích cực hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số để bảo đảm các nền tảng về hạ tầng, dữ liệu và ứng dụng thông minh, phù hợp với tình hình mới. Trong đó, nâng cấp, tích hợp hệ thống khai báo y tế thành phố với ứng dụng PC-Covid (ứng dụng duy nhất phòng, chống dịch quốc gia) để bảo đảm mỗi người dân có một mã QR duy nhất, thuận lợi cho người dân trong sử dụng, khai báo. Đồng thời phối hợp các cơ quan Trung ương để thu thập thêm nhiều dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch như dữ liệu dân cư, dữ liệu bảo hiểm xã hội, y tế, xét nghiệm, dữ liệu di chuyển của người dân...; triển khai các ứng dụng trợ lý ảo thông minh hỗ trợ tiếp cận người dân tốt hơn; ứng dụng hỗ trợ đánh giá, quản lý doanh nghiệp “xanh” để sản xuất an toàn; ứng dụng phân tích chỉ số kinh tế - xã hội để chủ động phòng, chống dịch.