Ngành Giao thông Vận tải sẽ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe từ ngày hôm nay (15/11). Tuy nhiên, khi dữ liệu giấy khám sức khỏe của Bộ Y tế vẫn chưa được xây dựng và kết nối lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, việc đổi giấy phép lái xe trực tuyến vẫn sẽ gặp khó khăn.
Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, tháng 7/2020 đã thí điểm đổi giấy phép lái xe cấp độ 4 tại Hà Nội và Hà Nam. Đến tháng 7/2021, việc thí điểm được nhân rộng ra 12 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Thừa nhận số lượng từ đầu năm đến nay chỉ có hơn 20 giấy phép lái xe được đổi thành công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là quá ít, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) chỉ ra nguyên nhân là do thiếu dữ liệu về giấy khám sức khỏe, ngành Y tế chưa mở rộng các cơ sở y tế cung cấp giấy khám sức khỏe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, số cơ sở y tế vẫn giữ nguyên như giai đoạn thí điểm, hiện mới có 3 cơ sở tại Hà Nội và 8 cơ sở tại Hà Nam thực hiện kết nối.
“Mặt khác, nhiều giấy phép lái xe bị tước không có trong cơ sở dữ liệu, các Sở Giao thông Vận tải địa phương vẫn cập nhật thủ công bằng lái xe bị tước vào phần mềm quản lý giấy phép lái xe,” ông Thống cho hay.
Ngoài ra, để có được giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử, người dân phải khám tại cơ sở y tế, sau đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực điện tử, được trả kết quả trong thời gian 5 ngày và mất thêm phí chứng thực nên số người sử dụng dịch vụ này còn hạn chế.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết mỗi năm có khoảng gần 2 triệu giấy phép lái xe được cấp đổi. Đến nay, các công việc để phục vụ tốt việc cấp đổi giấy phép lái cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đã được ngành Giao thông Vận tải hoàn thiện, vấn đề còn lại phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu về giấy khám sức khỏe của ngành Y tế.
Đưa ra giải pháp các tỉnh, thành phố kết nối cơ sở dữ liệu giấy khám sức khỏe trên địa bàn với Cổng thông tin của tỉnh, ông Cường cho rằng, trước mắt chưa truyền về Công dịch vụ Quốc gia, có thể truyền về Sở Giao thông Vận tải, kết hợp với tra cứu dữ liệu xử lý vi phạm của Cảnh sát giao thông tỉnh để đổi giấy phép lái.
“Khi Bộ Y tế có cơ sở dữ liệu khám sức khỏe và Bộ Công an kết nối tra cứu dữ liệu xử phạt thì rất thuận tiện cho người dân đổi bằng lái xe trực tuyến. Tiến độ phụ thuộc vào Bộ Y tế, người dân sẽ không làm trực tuyến và sẽ không hiệu quả thì rất lãng phí. Nếu tính toán 10% số bằng lái xe được đổi qua Dịch vụ công Quốc gia cấp độ 4 thì mỗi năm là khoảng 200.000 người đã đem lại hiệu quả rất lớn,” người đứng đầu Cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận.
Trên cơ sở này, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo phòng chuyên môn, cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ tham gia tập huấn, tiếp nhận phần mềm để tổ chức triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Sở Giao thông Vận tải báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh cung cấp, kết nối dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe với cơ sở dữ liệu sức khỏe của Cục Quản lý khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã và các phòng công chứng thực hiện chứng thực cấp và gửi bản sao điện tử giấy khám sức khỏe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia./.
Việt Hùng (Vietnam+)