Chủ tịch Traveloka gợi ý cách Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số du lịch hậu “bão” COVID-19

31/01/2023, 11:23

Với sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện chuyển đổi số để giữ vững vị trí tiên phong. Đó là ý kiến của ông Caesar Indra - Chủ tịch Traveloka - với .

Ông Caesar Indra - Chủ tịch Traveloka.

Du lịch Việt Nam đang có tốc độ phục hồi ấn tượng, kể cả so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Nhưng giữ vững được kết quả này mới là điều quan trọng, để tạo đà phát triển bền vững cho những năm tiếp theo. Trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes ngay những ngày đầu xuân năm mới, ông Caesar Indra - Chủ tịch Traveloka - đã chỉ ra nhiều việc cần làm để thúc đẩy chuyển đổi số du lịch Việt Nam hậu “bão” COVID-19 và nguy cơ suy thoái.

Cung cấp những trải nghiệm "du lịch không chạm"

+ Từ góc nhìn quốc tế, ông đánh giá thế nào về tiềm năng du lịch của Việt Nam? Theo ông, điểm nào cần được Việt Nam phát huy hơn nữa và điểm nào ngành du lịch cần phải điều chỉnh?

- Ông Caesar Indra: Theo đánh giá của Traveloka, du lịch nội địa Việt Nam đang phục hồi với tốc độ nhanh chóng nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và việc mở lại biên giới quốc tế.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT), cả nước đã đón 101,3 triệu lượt khách vào năm 2022, tăng 168,3% so với mục tiêu ban đầu và vượt xa mức trước đại dịch COVID-19 mới là 85 triệu lượt khách.

Dữ liệu nội bộ của Traveloka cũng cho thấy du lịch Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, TP.HCM, Hà Nội, Đà Lạt,... rất được ưa chuộng.

Với sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi số để giữ vững vị trí tiên phong. Một trong các phương pháp hiệu quả là việc hiểu rõ được hành vi luôn thay đổi của người dùng và từ đó cung cấp những trải nghiệm du lịch không chạm - kỹ thuật số toàn diện.

Chuyển đổi số không chỉ là giải pháp tạm thời cho sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra, mà còn là một hành trình lâu dài nhằm hướng tới một ngành du lịch phát triển bền vững.

Để đạt được điều này, các bên liên quan cần phải phối hợp và xây dựng một kế hoạch chiến lược hướng tới sự phát triển dài hạn cho ngành du lịch Việt Nam.

Trong định hướng phát triển, Traveloka luôn hướng tới xây dựng, hoàn thiện một hệ sinh thái hợp tác giữa chính phủ, cơ quan quản lý du lịch địa phương và các doanh nghiệp liên quan trong ngành. Đây là điều cần thiết để mở đường cho triển vọng du lịch Việt Nam.

+ Để thúc đẩy chuyển đổi số du lịch, theo ông, ngành du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch cần phải làm gì - đặc biệt trong bối cảnh ngành đang gặp “bão lớn” do tác động của dịch Covid-19?

- Ông Caesar Indra: Để nhận thức được tiềm năng to lớn của nền kinh tế kỹ thuật số, các doanh nghiệp và các bên liên quan cần đẩy nhanh việc tích hợp các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) vào hoạt động của họ.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đánh giá lại chuỗi giá trị của mình để xác định các rủi ro đối với môi trường, xã hội và cộng đồng. Nếu chúng ta có thể xây dựng và củng cố được tất cả các tiêu chuẩn quan trọng này, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực có thể sớm hiện thực hóa một kỷ nguyên số bền vững.

Lễ đón tàu du lịch 5 sao Silver Spirit và hơn 400 du khách châu Âu xông đất Đà Nẵng trong ngày mùng 2 Tết Quý Mão 2023

Hành vi du lịch sau đại dịch đã thay đổi

- Theo ông, ngành du lịch cần khai thác chuyển đổi số như thế nào để tạo được bước đột phá, tác động tích cực cho nền kinh tế?

- Ông Caesar Indra: Chuyển đổi số mang lại lợi ích to lớn bằng cách cung cấp các cơ hội tăng trưởng kinh tế trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả ngành du lịch và lữ hành.

Công nghệ là một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động và nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp, mà còn mang đến những trải nghiệm liền mạch cho khách du lịch - người dùng có thể truy cập vào ứng dụng để lên kế hoạch chuyến đi của mình từ đầu tới cuối một cách dễ dàng và nhanh chóng. Chuyển đổi số du lịch về cơ bản cho phép những doanh nghiệp du lịch trở nên dễ nhận biết và dễ tiếp cận hơn đối với người dùng trên toàn thế giới.

Theo dữ liệu nội bộ của chúng tôi, người dùng không còn coi việc đi du lịch chỉ đơn giản là di chuyển từ điểm này sang điểm khác. Họ muốn tham gia vào các hoạt động tạo ra giá trị, khám phá những trải nghiệm mới lạ, tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ với người thân yêu, hoặc thậm chí chỉ đơn thuần là kết nối lại với chính bản thân họ. Điều này đã thúc đẩy sự thay đổi hành vi du lịch sau đại dịch, khi mà du khách muốn có sự linh hoạt hơn để có thể thực hiện những trải nghiệm du lịch độc đáo và được cá nhân hóa của họ.

Như vậy, ngành du lịch có thể khai thác chuyển đổi số theo nhiều cách để tạo đột phá. Ví dụ như việc sử dụng các nền tảng trực tuyến để tiếp thị và quảng bá các sản phẩm và dịch vụ du lịch, giúp tăng phạm vi và khả năng tiếp cận cho khách hàng. Trên thực tế, doanh số bán hàng trực tuyến hiện chiếm 40% tổng doanh số bán hàng sản phẩm du lịch.

Một ví dụ khác để số hóa là đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như hệ thống thanh toán qua điện thoại di động, hay bán vé điện tử để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời mang lại trải nghiệm liền mạch cho khách hàng – đặt vé du lịch qua điện thoại di động đã tăng 63% kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Nhu cầu đi lại ngày càng tăng đòi hỏi ngành du lịch phải tập trung cao độ vào người dùng, đồng thời lưu ý đến những thay đổi liên tục trong ngành. Thông qua chuyển đổi kỹ thuật số, sự hợp tác chiến lược trong hệ sinh thái sẽ mở ra những cánh cửa mới cho ngành du lịch, cho phép những doanh nghiệp và nhà đầu tư hiểu rõ hơn về người dùng, đối tác và các bên liên quan của họ.

Nhìn chung, ngành du lịch nên tập trung vào việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, cải thiện hiệu quả hoạt động và thúc đẩy đổi mới để tạo ra một tương lai công bằng mang lại lợi ích cho nhiều người hơn, từ những nền kinh tế phát triển hay các nền kinh tế mới nổi.

+ Tháng 12 năm ngoái, trong cuộc diện kiến lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, ông Albert - đồng sáng lập của Traveloka - đã khẳng định cam kết hỗ trợ nhiều hơn nữa các sáng kiến, phát triển công nghệ và các giải pháp để hỗ trợ phục hồi du lịch Việt Nam và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Xin cho biết về kế hoạch, mục tiêu và hoạt động cụ thể của Traveloka tại Việt Nam?

- Ông Caesar Indra: Traveloka xác định và cam kết tăng cường quan hệ đối tác với các bên liên quan trong ngành và chính phủ Việt Nam, để hỗ trợ phục hồi ngành du lịch, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật số và phát triển du lịch bền vững.

Kể từ khi có mặt tại Việt Nam vào năm 2015, Traveloka luôn cam kết hỗ trợ ngành du lịch nước nhà cũng như tích cực thúc đẩy chuyển đổi số.

Để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, chính phủ Việt Nam đã xây dựng các kế hoạch chiến lược và lộ trình phát triển du lịch của đất nước đến năm 2030 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 147/QĐ-TTg ban hành ngày 22/1/2020).

Là một phần trong cam kết tại Việt Nam, Traveloka đang hợp tác với gần 10.000 đối tác khách sạn, hơn 100 nhà điều hành Xperience và 45 hãng hàng không trong nước và quốc tế.

Traveloka đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Thương mại, Đầu tư tỉnh Kiên Giang và Sở Du lịch Thành phố Hải Phòng để quảng bá các điểm đến địa phương và nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Đặc biệt, Traveloka đã cùng Sở Du lịch Hải Phòng xây dựng Sàn giao dịch trực tuyến Du lịch Hải Phòng dành cho du khách. Nền tảng này cũng góp phần vào nỗ lực của Sở Du lịch Hải Phòng và Traveloka trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương số hóa, cũng như phục hồi sau Covid-19.

Ngoài ra, thông qua Sàn giao dịch trực tuyến Du lịch Hải Phòng, du khách có thể dễ dàng tiếp cận thông tin du lịch bao gồm hướng dẫn, điểm đến, bản đồ, dịch vụ, v.v. . Từ đó, khách du lịch có thể nhận được những ưu đãi tốt nhất cho chuyến đi của mình.

Chúng tôi cũng hợp tác với các doanh nghiệp lĩnh vực khác, đặc biệt là với lĩnh vực tài chính để thúc đẩy số hóa, đưa du lịch tới gần người dùng hơn.

Chuyển đổi số du lịch về cơ bản cho phép những doanh nghiệp du lịch dễ nhận biết và dễ tiếp cận hơn với người dùng trên toàn thế giới. Ảnh: Shutterstock

Giải quyết nạn “chặt chém” đầu xuân bằng chương trình phù hợp

+ Bảo mật thông tin khách hàng là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Traveloka có chủ trương và hành động cụ thể như thế nào để bảo mật thông tin cá nhân của người dùng?

- Ông Caesar Indra: Là một công ty công nghệ, việc tôn trọng và bảo vệ dữ liệu cũng như quyền riêng tư của người dùng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Traveloka cố gắng tuân thủ luật và quy định bảo vệ dữ liệu hiện hành trong việc quản lý kho dữ liệu mà chúng tôi được người dùng tin cậy gửi gắm, trên tất cả các khu vực mà chúng tôi đang hoạt động.

+ Nhiều ý kiến cho rằng, tại Việt Nam, các dịch vụ du lịch ở địa phương chủ yếu do hộ cá thể cung cấp và đa phần chưa coi là công việc nghiêm túc. Điều đó thể hiện ở việc người dân ngừng cung cấp dịch vụ trong Tết Nguyên đán – thời điểm nhiều khách trong và ngoài nước rất thích trải nghiệm du lịch. Xin ông chia sẻ về quan điểm này? Để hạn chế tác động chưa tốt này, chúng ta cần làm gì?

- Ông Caesar Indra: Sự chênh lệch giữa cung và cầu trong những dịp lễ lớn như Tết là thách thức được phản ánh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là khoảng thời gian mà cả du khách trong nước và quốc tế đều tụ tập để thưởng thức và hòa mình vào văn hóa bản địa.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê Việt Nam chia sẻ, nhu cầu đi lại của du khách trong dịp Tết thường cao hơn ngày thường từ 20 đến 30%.

Nhu cầu này có khả năng được giải quyết – mặc dù không hoàn toàn, nhờ những ưu đãi và chương trình phù hợp. Các nền tảng du lịch thường có thể thấy trước và dự đoán trước nhu cầu của người dùng.

Như vậy, để giải quyết thách thức này, những nhà cung cấp dịch vụ du lịch có thể nhận được những thông tin hiểu biết hữu ích về người dùng từ những nền tảng du lịch, từ đó cung cấp ra thị trường những ưu đãi thích hợp trong dịp Tết.

Về phía chúng tôi, Traveloka không chỉ hợp tác với các nhà điều hành vừa và lớn, mà cả những nhà điều hành nhỏ, chẳng hạn như các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Đội ngũ quản lý thị trường của chúng tôi đã, đang và sẽ luôn hỗ trợ các nhà cung cấp địa phương để việc cung cấp sản phẩm của họ phù hợp với người dùng tại bất kỳ thời điểm nào.

Chúng tôi luôn tin tưởng rằng, bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng của người dùng và dịch vụ trên thực tế, các nền tảng du lịch hoạt động đa quốc gia có thể giúp liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam trong dài hạn, trở thành cửa ngõ gia nhập thị trường quốc tế, như cách chúng tôi kết nối mọi người với thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO