Tắt sóng 2G, nâng cấp 4G, mở rộng 5G
Trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường, công nghệ di động, kết hợp với các mục tiêu quản lý nhà nước và việc thống nhất với các doanh nghiệp di động, ngày 27/9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc tắt sóng 2G.
Trong lộ trình này, Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt - đó là phổ cập mạng di động 4G, 5G và smartphone đến từng người dân Việt Nam. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng, và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam có thể bước vào nhóm các nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G trong năm 2023 bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất, qua đó sẽ nâng cao năng lực tự chủ và phát triển công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài; góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.
Điện toán đám mây là nền tảng của hạ tầng số
Bên cạnh hạ tầng mạng, cấu phần quan trọng nhất của hạ tầng số Việt Nam là điện toán đám mây (cloud), trung tâm dữ liệu (Data Center). Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Data Center sẽ lưu trữ và xử lý dữ liệu Việt Nam tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, trong số các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây thì có tới 80% doanh nghiệp thuê máy chủ (Server) của nước ngoài, đặt tại nước ngoài.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dữ liệu lớn (Big Data) và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp rất lớn. Việt Nam muốn đi đầu về chuyển đổi số thì phải là một trung tâm số của thế giới. Việt Nam phải có hạ tầng điện toán đám mây có thứ hạng quốc tế, có nhiều tuyến cáp quang biển quốc tế do Việt Nam xây dựng, có thị trường số năng động và quy mô lớn, có sự hội tụ của nhân tài số toàn cầu và nhân lực số trong nước thật dồi dào.
“Vào năm 2025, thị trường điện toán đám mây sẽ lớn hơn thị trường viễn thông. Sự đầu tư của chúng ta cho điện toán đám mây rất chưa tương xứng, chưa bằng 1/10 so với đầu tư viễn thông. Dữ liệu Việt Nam là tài nguyên và tài sản, nó phải được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam; nếu muốn sử dụng phải được sự cho phép của Việt Nam. Chủ quyền số quốc gia liên quan mật thiết tới hạ tầng số Việt Nam. Không có hạ tầng số Việt Nam thì sẽ không có chủ quyền số Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Chia sẻ về chiến lược phát triển hạ tầng đám mây, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết, Viettel Cloud là hệ sinh thái điện toán đám mây đầu tiên, lớn nhất, hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ, được chính thức đi vào hoạt động. Đây là mảnh ghép rất quan trọng trong việc xây dựng đồng bộ, hiện đại hạ tầng số quốc gia, góp phần tạo nên thắng lợi trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Đề cập về phát triển hạ tầng đám mây, ông Tạ Tùng Sơn, Phó Tổng giám đốc CMC Telecom cho hay, CMC đã nhìn thấy xu hướng này tại Việt Nam nên đã sớm đầu tư vào hạ tầng này. Hiện những doanh nghiệp như CMC, Viettel, VNPT đang đầu tư mạnh vào hạ tầng này.
Thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng hạ tầng số
Bên cạnh hạ tầng viễn thông, hạ tầng đám mây thì sự lớn mạnh của các doanh nghiệp số Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng số cần phải được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.
Chia sẻ về hạ tầng số tại hội nghị của Tập đoàn VNPT mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, khái niệm hạ tầng số đã được mở rộng. Hạ tầng số là hạ tầng nền tảng để cho các doanh nghiệp phát triển ứng dụng trên đó. Trong điều kiện các dịch vụ viễn thông truyền thống đang thoái trào thì 5G không là "đũa thần" để thay đổi, nhưng là công cụ để chúng ta thay đổi không gian phát triển mới cho các nhà mạng. Hạ tầng số giúp cho các doanh nghiệp (không chỉ doanh nghiệp số) hiện đại và thông minh lên. VNPT có sứ mạng xây dựng hạ tầng số cho các khu công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Thủ tướng quyết định chưa cổ phần hóa VNPT. Lý do là doanh nghiệp nhà nước phải có sứ mạng của nhà nước. Chính phủ kỳ vọng doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện chiến lược quốc gia để phát triển hạ tầng số. Đảng và Chính phủ đánh giá cao ngành Thông tin và Truyền thông khi đưa ra chuyển đổi số là phương thức rút ngắn con đường tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Doanh nghiệp nhà nước sẽ có chiến lược phát triển dài hạn hạ tầng số trở thành trục cốt lõi để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Trong báo cáo tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra rằng, Bộ đang chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số. Đây là hạ tầng quan trọng của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng đến từng hộ gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số… để mỗi người có một “danh tính số” trên không gian mạng. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% xã, trên 80% hộ gia đình; 100% số thuê bao di động là băng rộng; số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt trên tỷ lệ 30%; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt trên 80%. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra mục tiêu các doanh nghiệp số của Việt Nam phải chiếm 70% thị trường đám mây tại Việt Nam vào năm 2025. Với những động thái mạnh mẽ này, Việt Nam có thể sẽ sớm có được hạ tầng số mạnh mẽ để đáp ứng cho công cuộc chuyển đổi số, rút ngắn thời gian đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa như mục tiêu của Chính phủ đưa ra.
Nguyễn Thái
(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)