Chơi tiền số: Lãi ảo trên mạng, tội phạm thật xuyên quốc gia

23/06/2021, 14:05

Với tổng giá trị vốn hóa thị trường khoảng 1.450 tỷ USD (tính tới 21/6), hệ sinh thái tiền số không chỉ là mảnh đất níu chân nhà đầu tư mà còn là nơi lẩn trốn lý tưởng cho các hoạt động phi pháp, lợi dụng lỗ hổng quản lý.

Thực tại trong cơn sốt tiền ảo

9h sáng tại một văn phòng nằm ở trung tâm quận 1 (TP.HCM). Màn hình máy tính trước mặt anh Quốc Việt là một loạt biểu đồ. Những biểu đồ thể hiện sự lên xuống của các đồng tiền số.

Anh phân tích xu hướng biến thiên của những đường vẽ. Dogecoin, đồng tiền số với nhận dạng là hình mặt giống chó Shiba của Nhật Bản, là tiêu điểm trên các sàn giao dịch thời gian qua.

Ngày 5/5, đồng Dogecoin từng đạt đỉnh ở mức 69 cent/đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu nhà đầu tư nào đó bỏ ra 1.000 USD mua Dogecoin vào đầu năm 2021, khi tiền ảo này có giá chưa tới 1 cent, thì giờ đây, khoản đầu tư này thu về 120.000 USD (theo mức giá 69 cent), đồng tiền trong vài tháng tăng 120 lần giá trị.

Ghi nhận thị trường tiền điện tử ngày 21/6 (Theo trang Coinmarketcap)

“Một số người nói đồng Dogecoin lên nhiều nên có khả năng sẽ bị chết. Biểu đồ tăng giá nhanh bất thường, tuần đầu tháng 5 đã lên giá gấp 3-4 lần. Cá mập rút hết rồi nên giờ đụng vào là chết”, anh Việt phán đoán dựa trên kinh nghiệm đầu tư tiền số lâu nay.

Thuật ngữ “cá mập” được nhân viên văn phòng này dùng nhằm ám chỉ đại điện cho những cá nhân hay tổ chức nắm giữ một số lượng lớn Bitcoin trên thị trường tiền kỹ thuật số. Đôi khi, họ có thể chi phối thị trường theo ý muốn. Do vậy, việc đồng Dogecoin tăng giá phi mã được anh Việt đánh giá là không an toàn.

Không chỉ có “đồng tiền chó” Dogecoin, “ông vua tiền số” Bitcoin cũng nhiều lần làm cho nhà đầu tư công sở này lo lắng.

“Tôi từng tính có thể lên tới 69.000 USD/Bitcoin. Nhà đầu tư sẽ giữ lại và không giao dịch. Đồng Bitcoin trong vài phút có thể tăng giá trị thêm 1.000 USD. Lên nhiều, xuống cũng kinh. Cách đây hơn một tháng, trong 30 phút mà mất giá trị gần 10.000 USD/Bitcoin”, anh nói.

Anh Việt không phải là một nhân viên văn phòng cá biệt chơi tiền ảo, bởi theo “Khảo sát Người tiêu dùng Toàn cầu” của Statista năm 2020, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai về mức độ phổ biến tiền ảo. 

“Trong 1.000-1.400 người được hỏi tại Việt Nam, có tới 21% số người cho biết đã từng sử dụng hoặc sở hữu tiền ảo”, khảo sát nêu. Điều đó cho thấy một phần bức tranh về cơn sốt tiền ảo nhưng đang diễn ra trong hiện thực. Đặc biệt, khi "ông vua" Bitcoin vẫn dẫn đầu hệ sinh thái tiền số, thu hút các nhà đầu tư với giá trị gần 35.000 USD/Bitcoin, thống trị 45% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường (tính đến sáng ngày 21/6). 

Khảo sát mức độ phổ biến của tiền ảo tại các quốc gia (Nguồn: Statista)

Kẽ hở trốn thuế, rửa tiền

Chiều ngày 21/9/2017, vụ kiện về truy thu thuế tiền điện tử lần đầu tiên, với tổng số tiền lên đến 2,6 tỷ đồng, đã được tuyên án sơ thẩm tại Bến Tre. 

Lập luận tiền điện tử là tài sản, hàng hóa, Chi Cục Thuế TP. Bến Tre thời điểm đó đã ra quyết định truy thu 2,6 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân với ông Nguyễn Việt Cường do ông này đã có hoạt động trao đổi tiền điện tử qua Internet từ năm 2008 đến năm 2013. Ông Cường khởi kiện cơ quan thuế.

Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên án hủy các quyết định truy thu thuế của Chi Cục Thuế TP. Bến Tre đối với nguyên đơn là ông Cường, với lý do tiền điện tử chưa được pháp luật coi là hàng hóa. Việc truy thu thuế của Chi Cục Thuế TP mặc nhiên xem loại tiền này là hàng hóa là không phù hợp.

Dẫn chứng từ câu chuyện trên, Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng, với tính chất ẩn danh, tính xuyên biên giới, tiền số có thể tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp. Các đối tượng có thể đổi tiền sang Bitcoin rồi thông qua các ví điện tử chuyển tiền ra nước ngoài trong nháy mắt mà không mất một đồng lệ phí. 

“Đây là lỗ hổng cho việc rửa tiền, chuyển tiền từ Việt Nam sang các nước khác để mua bán bất động sản, có thể tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp khác”, Luật sư Chương nhận định.

Luật sư Lương Văn Chương

Cũng theo ông Chương, ở Việt Nam tuy chưa xuất hiện trường hợp rửa tiền qua Bitcoin nhưng đã thấy ở Mỹ. Cụ thể, cuối tháng 4/2021, FBI triệt phá tổ chức tội phạm nổi tiếng thế giới Silk Road, trong đó có buôn bán ma túy và đã tịch thu 2 ví điện tử chứa khoảng 174.000 Bitcoin. Với giá trị đồng Bitcoin từng ở mức khoảng 57.600 USD vào thời điểm ngày 1/5/2021, số lượng Bitcoin trên vượt qua giá trị 10 tỷ USD. 

Dựa trên công nghệ mã hóa blockchain, người dùng có thể gửi một tài sản số thông qua mạng Internet tới một người dùng khác và giao dịch này được đảm bảo an toàn, bảo mật cao, khó có thể can thiệp hay sửa đổi. Do đó, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát từ cơ quan nhà nước khi có nghi ngờ giao dịch đó bất minh.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, với công nghệ hiện nay thì sự phát triển của blockchain đã biến dạng thức ảo thành thật. Hàng hóa mang giá trị thật trên nền tảng số. Mặc dù không thể phủ nhận sự tiện lợi của tiền số, song do tiềm ẩn rủi ro nên nhiều quốc gia chưa chấp nhận tính chính danh của của hệ sinh thái giá trị hàng nghìn tỷ USD trên không gian mạng này.

“Nếu ngồi trong nhà mà chỉ bằng những cú click chuột đã có thể giao dịch tới hàng triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD, thì cớ gì tội phạm không thực hiện? Khi mà Ngân hàng Trung ương không kiểm soát được vấn đề này thì đó như một cánh cửa không có khóa và những kẻ hoạt động phi pháp đang chực chờ để bước qua”, ông Dũng nói.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo, cũng như chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. 
Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Chính phủ ban hành Quyết định số 1255/Qđ-TTg về phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Nội dung của quyết định này là Thủ tướng phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện cho các Bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tiền ảo.
Ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Chỉ thị đã đề cập đến những rủi ro và hệ luỵ của các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Đồng thời, yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan thực hiện việc quản lý các hoạt động liên quan đến tiền ảo nhằm hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. 

Quảng Định

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO