Chuyển đổi số trong giáo dục - hướng đi tất yếu của thời đại công nghệ 4.0
Trong mười năm trở lại đây, ngành giáo dục trực tuyến toàn cầu trở thành một thị trường tỷ đô với tốc độ tăng trưởng đều đặn mỗi năm. Theo báo cáo về giáo dục của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, chi tiêu toàn cầu cho nhóm ngành mới nổi này sẽ tăng từ 163 tỷ USD vào năm 2019 đến 404 tỷ USD vào năm 2025. Tại Việt Nam, Thủ tướng chính phủ cũng đã ký quyết định phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vào năm ngoái, trong đó Giáo dục là một trong những lĩnh vực mũi nhọn sẽ được ưu tiên chuyển đổi số.
"Chuyển đổi số trong giáo dục là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh công nghệ 4.0. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình này phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết", đây là chủ đề chia sẻ của Tiến sĩ Howard Youngs, giảng viên trường ĐH Công nghệ Auckland (AUT) tại sự kiện Tuần lễ Giáo dục New Zealand dành cho các đối tác khu vực châu Á (NZPWW) diễn ra vào ngày 15/6 vừa qua. Cũng tại sự kiện, tiến sĩ Howard Youngs phân tích rõ hơn về quan điểm tại sao việc triển khai giáo dục số hóa không chỉ đơn giản là tăng cường ứng dụng công nghệ số và những kinh nghiệm của New Zealand về việc triển khai học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19.
Những sáng kiến từ quốc gia dẫn đầu thế giới về chuẩn bị kỹ năng cho tương lai
Theo bảng xếp hạng của The Economist Intelligence, New Zealand là quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu thế giới về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai (Educating for the Future Index) trong ba năm liên tiếp 2017-2019. Dựa trên báo cáo được thực hiện bởi OECD, nhà trường, giáo viên và học sinh tại New Zealand đã quen thuộc với việc sử dụng CNTT trong giảng dạy và học tập từ rất sớm. Cụ thể, năm 2018, 80% giáo viên đã cho phép HSSV ứng dụng công nghệ vào các dự án và hoạt động trên lớp, với 59% giáo viên đã kết hợp công nghệ vào chương trình giảng dạy chính thức. 76% giáo viên cho rằng việc sử dụng CNTT giúp rất nhiều cho việc học của học sinh. Chính những điều trên đã giúp New Zealand bước vào thời đại công nghệ số một cách nhanh chóng, nhất là khi phải đối phó với đại dịch Covid-19.
Hơi thở cách mạng công nghệ 4.0 còn truyền cảm hứng cho nền giáo dục New Zealand phát triển những mô hình học tập sáng tạo có tính năng cá nhân hóa lộ trình học tập phù hợp với từng học sinh. Trong sự kiện trực tuyến NZPWW kể trên, đại diện các cơ sở giáo dục ở New Zealand đã có cơ hội trình bày cùng đối tác quốc tế về những sáng kiến này.
Đại diện của Code Avengers dự đoán rằng 85% công việc của năm 2050 là những công việc mà chúng ta chưa hề nghĩ đến. Code Avengers ra đời tại New Zealand, tập trung vào việc tạo nên nền tảng dạy & học CNTT đầy trải nghiệm thú vị và bổ ích thông qua các hoạt động tương tác học mà chơi có tính ứng dụng cao như game tích hợp, làm đề án hay giải câu đố đầy tính tương tác. Các khóa học về lập trình, kiến thức nền và thiết kế được phân cấp, điều chỉnh linh hoạt tùy theo cá nhân, trình độ, và sở thích, từ nhóm mới bắt đầu cho trẻ 5 tuổi trở lên, đến bậc trung và cao cấp. Đặc biệt, nền tảng trực tuyến với nhiều tính năng hỗ trợ còn được cập nhật để có thể tương thích và bổ sung cho các chương trình giảng dạy chính thức bộ môn khoa học máy tính của chương trình học nhiều nước. Hiện Code Avengers đang được hơn 2 triệu người học tại hơn 15.000 trường trên thế giới.
Education Perfect (EP) là một hệ sinh thái hỗ trợ học tập trực tuyến, được ra mắt để ứng dụng khoa học dữ liệu vào quy trình cải thiện kết quả của học viên, đồng thời hỗ trợ quá trình giảng dạy của giáo viên. EP cung cấp nguồn tài liệu học tập phong phú về hình thức lẫn nội dung cho nhiều môn học như toán, khoa học, ngôn ngữ,… từ đó có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các chương trình giáo dục trên thế giới. Giữa đại dịch, EP cùng các tính năng như kết quả bài tập theo thời gian thực, tự động hóa lộ trình học và gia tăng thời gian giữa những lần ôn tập, đã tạo điều kiện để giáo viên có thể hỗ trợ tối đa và giúp hành trình học tập của học sinh được cá nhân hóa một cách chuyên sâu. Những tiện ích mang lại từ EP hiện được ghi nhận và phổ biến ở hơn 4.000 trường trên thế giới với hơn 1 triệu học viên sử dụng.
Dự án Kiwrious được phát triển bởi phòng thí nghiệm Augmented Human Lab (AHL) thuộc trường Đại học Auckland với tầm nhìn nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học và cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề cho thế hệ tương lai. Kiwrious là một giải pháp công nghệ thông minh với chi phí thấp, được thiết kế để giúp học sinh và giáo viên tìm hiểu khoa học từ các hiện tượng tự nhiên với bộ công cụ học tập khoa học gồm 8 thiết bị cảm biến đo lường nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí... Đặc biệt, khi cắm các cảm biến vào máy tính, học sinh có thể dễ dàng truy cập vào website học trực tuyến Kiwrious để thực hành kỹ năng phân tích, chia sẻ các phát hiện của mình và thảo luận với bạn bè, thầy cô. Ở giai đoạn thí điểm năm ngoái, 70 bộ công cụ bao gồm khoảng 10,000 thiết bị cảm ứng thuộc dự án Kiwrious đang được phân phối và sử dụng tại 35 trường ở New Zealand.
Dành cho quý độc giả quan tâm đến các mô hình giáo dục sáng tạo của New Zealand và xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục, độc giả có thể tham khảo qua nội dung thuộc chương trình của Tuần lễ Giáo dục New Zealand dành cho các đối tác khu vực châu Á (New Zealand Partners Workshop Week - NZPWW). Tuy sự kiện đã kết thúc nhưng độc giả vẫn có thể đăng ký tại http://bit.ly/NZPWWVietnam6 để xem lại bản thu các chương trình đã diễn ra được lưu trên nền tảng trực tuyến của sự kiện cho đến hết ngày 16/7/2021.
Trường Thịnh