Chiến dịch tiêm chủng tại TPHCM trong tháng 8: Cần đẩy mạnh chuyển đổi số và CNTT

02/08/2021, 10:09

TP.HCM phấn đấu 70% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 trong tháng 8.  Nhân lực và hệ thống CNTT là yếu tố quan trọng đóng góp vào chiến dịch tiêm chủng quy mô nhất lịch sử này.

Chính phủ, Bộ Y tế đã đề nghị TP.HCM tăng tốc tiêm, đồng thời hỗ trợ vắc-xin, nhân lực cần thiết. Dân cư TP.HCM khoảng 9 triệu người, người trên 18 tuổi là 7,2 triệu chiếm khoảng 80%. Như vậy thành phố cần tiêm cho 5 triệu người để đạt mục tiêu 70% người trên 18 tuổi được tiêm.

Tính đến cuối tháng 7/2021 này, TP.HCM đã tiêm được khoảng 1,3 triệu liều. Như vậy cần phải tiêm 3,7 triệu liều trong tháng 8/2021 hay 120.000 liều/ngày.

Báo cáo về công tác tiêm chủng vaccine Covid-19, Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện thành phố có 650 đội tiêm chủng, do đang thực hiện giãn cách nên mỗi ngày tiêm khoảng 70.000-80.000 liều. Mục tiêu tiêm cho 70% người trên 18 tuổi là khả thi nhưng cần sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị các cấp từ khâu phân phối, vận chuyển vaccine đến điểm tiêm, hướng dẫn người dân đăng ký, tiêm chủng và theo dõi sau khi tiêm.

Công đoạn tiêm chỉ là một phần trong chuỗi kế hoạch thực hiện của chiến dịch tiêm chủng quy mô của TP.HCM. Trong công văn hỏa tốc, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền và tăng tốc độ bao phủ tiêm chủng.

Trong lần tiêm này, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh khía cạnh tiêm nhanh chóng, an toàn nhưng phải đảm bảo điều kiện tiêm không để lây lan. Chúng ta đã có kinh nghiệm với chiến dịch tiêm chủng 836.000 liều vắc xin Covid-19 của TP.HCM khởi động từ ngày 19/6, đồng loạt tiêm trong khoảng 10 ngày từ ngày 21/6 . Lần này hy vọng sẽ không xảy ra hiện tượng chen chúc, không đảm bảo điều kiện giãn cách tại điểm tiêm như ở Nhà thi đấu Phú Thọ hay Vạn Hạnh Mall.

Trong dịp cùng đoàn công tác của Chính phủ đến TP.HCM để kiểm tra về phòng, chống dịch trên địa bàn vào cuối tháng 6/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định:

“Nếu các địa phương biết gắn tiêm vắc xin với hồ sơ sức khoẻ điện tử thì chỉ trong năm 2021 này, 100% người dân sẽ có hồ sơ sức khoẻ điện tử. Điều này các nước phải làm mất 5 - 10 năm trong điều kiện bình thường. Hiện nay, Bộ TT&TT đã phát triển xong ứng dụng tiêm vắc xin gắn với hồ sơ sức khoẻ điện tử, chỉ cần các địa phương triệt để áp dụng.”

Từ giữa tháng 7, nền tảng CNTT trong quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia đã hoàn thành và bắt đầu triển khai. Nền tảng này gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử; Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn); Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia; Trung tâm đáp ứng (MCC). Tuy nhiên, dường như tôi thấy việc triển khai những hệ thống này ở TP.HCM vẫn chưa được đồng bộ và sự phối hợp chưa được nhịp nhàng giữa TP.HCM và Bộ Y tế, Bộ 4T, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của Chính phủ trong việc ứng dụng các hệ thống công nghệ trong lĩnh vực Y tế.

Vì vậy, TP.HCM cần chỉ đạo Sở TT&TT phối hợp với Bộ TT&TT và Bộ Y tế triển khai nhanh chóng, quyết liệt sổ sức khỏe điện tử lần này. Thực hiện truyền thông, tuyên truyền rộng rãi để người dân khai báo hồ sơ sức khỏe của mình. Trong trường hợp người dân không có điện thoại thông minh và khai bằng giấy, cần một lượng tình nguyện viên cho công tác nhập liệu và hướng dẫn.

Mặt khác, Hệ thống tiêm chủng quốc gia do Viettel xây dựng cần hoàn thiện về mặt chương trình và hạ tầng công nghệ để có thể đáp ứng nhu cầu hàng triệu người đăng ký và sử dụng trong thời gian tới, tránh trường hợp quá tải hay những lỗi cơ bản trong lần khai trương gần đây. Ngoài ra, cần một tổng đài và đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống tiêm chủng trong trường hợp người dân cần trợ giúp khi gặp vấn đề với hệ thống. Tổng đài hỗ trợ này có thể kết hợp với tổng đài 115.

Tôi đề xuất là bổ sung thêm tính năng quản lý thời điểm tiêm hay quản lý hàng chờ (queue management) trong Hệ thống tiêm chủng quốc gia để giúp người dân đỡ mất thời gian xếp hàng, có khi hàng mấy giờ đồng hồ hoặc cả buổi, và nhất là không tập trung đông tại nơi tiêm. Bổ sung tính năng điều phối việc tiêm, bố trí người tiêm cho điểm tiêm gần nhất đang trống. Hệ thống nhắn tin SMS địa chỉ và thời gian thích hợp để tiêm và người đăng ký tiêm dùng tin nhắn này như một bằng chứng cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu, không nên in thêm thẻ đi tiêm vừa mất công, tốn kém lại không hiệu quả.

Ở 650 điểm tiêm, cần bố trí các cán bộ am hiểu về CNTT để vận hành hệ thống. Thành phố có thể yêu cầu các đơn vị viễn thông trên địa bàn như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC, VNG hỗ trợ nhân lực hay kêu gọi chuyên gia CNTT độc lập tình nguyện tham gia chiến dịch.

Tôi tin rằng nhân lực và hệ thống CNTT là yếu tố quan trọng đóng góp vào chiến dịch tiêm chủng quy mô nhất lịch sử này.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO