12/63 tỉnh thành triển khai
Ra mắt vào đầu tháng 3/2023, Zalo mini app “Tây Ninh Smart” ngay lập tức nhận được sự quan tâm từ xã hội. Bởi lần đầu tiên, người dân có thể trải nghiệm một “ứng dụng mini” bên trong Zalo với đầy đủ các tính năng không thua kém ứng dụng bên ngoài.
Nhờ đó, sau 2 tháng ra mắt, lượng người sử dụng Tây Ninh mini app lúc đó đã đã tương đương 50% phiên bản phát hành trên các kho ứng dụng trong 2 năm.
Nhận thức được hiệu quả của Zalo mini app với người dân, chỉ trong 9 tháng (từ 3/2023 - 12/2023), cả nước có 12/63 tỉnh thành trên lựa chọn mô hình này như kênh tương tác và cung cấp tiện ích, dịch vụ công chính thống đến người dân, gồm: Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Kiên Giang, Bắc Kạn, Đắk Lắk, Lào Cai, Bình Định, Quảng Nam; Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre.
Tuy là năm đầu tiên triển khai, nhưng với những “kỷ lục” ấn tượng, Zalo mini app của các địa phương đã chứng minh đây là một mô hình thuận tiện, dễ sử dụng với mọi đối tượng người dân, kể cả người lớn tuổi không thạo công nghệ.
Không chỉ số lượng tỉnh thành triển khai mini app trong thời gian ngắn, mà số hồ sơ nộp qua Zalo mini app cũng rất ấn tượng. Đặc biệt, có 22% người dùng Zalo mini app của các tỉnh thành là người trên 45 tuổi.
Đơn cử như tỉnh Tây Ninh, lượng người sử dụng trên 45 tuổi đạt đến 51.655 người, gấp 11 lần so với phiên bản “ứng dụng lớn” bên ngoài.
Không chỉ riêng Tây Ninh Smart, nhờ khắc phục được nhiều nhược điểm gây trở ngại cho những người không thông thạo công nghệ thông tin, mini app “Bắc Kạn” có đến 28% người dùng ở độ tuổi 45 trở lên. Thậm chí địa phương khác như Long An - tỉnh mới triển khai mini app “Long An Số” từ tháng 9 - đã ghi nhận 24% người dùng trên 45 tuổi.
Lý giải những con số ấn tượng
Lý giải cho những kết quả tích cực của nhiều địa phương, Zalo cho rằng, đầu tiên, sự dễ dàng là điểm thuận lợi lớn nhất của mô hình này đối với người dân. Không cần phải tải, cài đặt từng ứng dụng riêng lẻ hay đăng ký tài khoản mới, tất cả các thông tin và tiện ích của chính quyền địa phương sẽ được truy cập trực tiếp ngay trên Zalo.
Với những người dùng rành công nghệ, trước đây, mini app trên các ứng dụng lớn vốn là công cụ được sử dụng để tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm thương mại. Việc chính quyền áp dụng mô hình này để cung cấp tiện ích, dịch vụ công trực tuyến cho người dân là điều mới mẻ chưa từng có.
Riêng đối với người dùng bị hạn chế về công nghệ thông tin như người lao động phổ thông, người lớn tuổi; Zalo mini app như một một “cánh cửa” mới giúp họ được kết nối với chính quyền nhanh chóng và gần gũi khi mọi tiện ích nằm bên trong Zalo - ứng dụng liên lạc vốn quen thuộc trong đời sống hàng ngày.
Không chỉ đầu tư vào tính năng giúp người dân giải quyết nhu cầu, thủ tục cá nhân, các địa phương còn tập trung vào hiệu quả kết nối giữa người dân - chính quyền trên Zalo mini app. Vì vậy, người dân sẽ không phải bận tâm về việc cần phải tìm đến đúng cơ quan để phản ánh, hay mất thời gian chờ đợi phản hồi. Mặt khác, việc phản hồi nhanh chóng, công khai trên Zalo mini app cũng chính là động lực giúp người dân mạnh dạn kết nối, tương tác với chính quyền.
“Việc phát triển tiện ích công trên các nền tảng phổ biến là cách làm phù hợp với mục tiêu giúp người dân dễ tiếp cận, dễ sử dụng, đáp ứng vào các nhu cầu thực tế của người dân” - đại diện UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ.
12 tỉnh thành lựa chọn Zalo mini app trong năm 2023 đồng nghĩa với gần 10 triệu người dùng Zalo tại các địa phương này được tương tác với chính quyền và sử dụng các tiện ích công nhanh chóng, chủ động.
Con số này cũng tương đương hơn 13% người dùng Zalo trên cả nước hiện tại - một tín hiệu khả quan cho thấy dư địa để chính quyền tiếp tục phát triển mô hình này là rất lớn. Không chỉ các địa phương, nhiều cơ quan ban ngành như Công an, Bảo hiểm xã hội, đăng kiểm,... trong năm 2023 đã ứng dụng Zalo mini app để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân./.