Cách mạng công nghệ 4.0 tạo động lực cho doanh nghiệp thay đổi

01/10/2022, 10:52

Hiện nay, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

PV GAS và đối tác EY khởi động dự án “Tư vấn chiến lược Chuyển đổi số” và “Tư vấn triển khai phần mềm ERP” cho PV GAS. Ảnh: Hằng Anh/BNEWS/TTXVN

Thời gian qua, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì đội ngũ doanh nhân cũng lớn mạnh không ngừng.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu doanh nhân, tăng 250% so với năm 2013; trong đó, có nhiều doanh nhân lớn gắn liền với những thương hiệu và giá trị doanh nghiệp được định vị trên thị trường quốc tế. Nhiều chuyên gia nhận định, chưa khi nào và chưa bao giờ vai trò của doanh nhân Việt Nam được đánh giá cao như hiện nay với những ảnh hưởng xã hội và tác động với cộng đồng xã hội.

TS. Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Nghị quyết 09 NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để quản lý doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, xây dựng doanh nghiệp có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á.
Những năm qua, lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam phát triển nhanh với tốc độ trung bình đạt 7,4%/năm; trong đó, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp không nhỏ cho ngân sách Nhà nước và trở thành lực lượng đầu tàu lôi kéo "đoàn tàu" doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Hiện nay, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Sự phát triển của công nghệ mới với các công nghệ kỹ thuật số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… đã làm thay đổi doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi số toàn diện, sử dụng hàm lượng công nghệ và chất xám nhiều hơn để cải tiến phương thức kinh doanh, tối ưu hóa quy trình sản xuất và phong cách làm việc mang tính toàn cầu.
Sự bùng nổ của kỷ nguyên số trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 tạo nên những cơ hội đầu tư hấp dẫn, thổi bùng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần hình thành thế hệ doanh nhân mới đam mê kinh doanh và trẻ tuổi. Với 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, Việt Nam đang trở thành quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp cao nhất Đông Nam Á.

Song với những đòi hỏi rất cao, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 lại mang đến nhiều thách thức cho trong bối cảnh doanh nghiệp còn hạn chế về trình độ khoa học công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chưa tương xứng và phụ thuộc vào khu vực công; mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ chưa cao; thiếu nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn do hạn chế về vốn, quy mô…
TS. Trần Thị Hoa Thơm, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra những thách thức từ hệ thống pháp luật, cơ chế chồng chéo, thiếu ổn định và đồng bộ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định việc thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vậy đâu là giải pháp hỗ trợ họ tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 là vấn đề được rất nhiều nhà khoa học quan tâm.
Theo TS Nguyễn Hoa Cương, trước hết phải tập trung hoàn thiện thể chế, tối ưu hóa nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu cơ giữa khu vực doanh nghiệp, tổ chức đào tạo, tổ chức giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội; doanh nghiệp có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo tại chỗ, trang bị kỹ năng số, ngoại ngữ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyển đổi số ngành Ngân hàng ngày 4/8/2022. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Ngoài ra, doanh nghiệp, doanh nhân cần thay đổi cách thức quản trị bằng cách áp dụng phần mềm quản trị, tạo giá trị gia tăng bằng chất lượng, hiệu suất, quy trình. Cuối cùng người lãnh đạo cần thay đổi văn hóa doanh nghiệp phù hợp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với 2 nội hàm chính.

Đó là doanh nhân kỷ nguyên số sở hữu tầm nhìn về công nghệ, chuyển đổi môi trường doanh nghiệp theo mô hình gắn liền với công nghệ, số hóa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và doanh nhân xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với không ngừng đổi mới sáng tạo trong công việc, ứng dụng công nghệ mới tạo năng suất lao động cao và hiệu quả.
TS. Trần Thị Hoa Thơm cho biết thêm, Nhà nước cũng cần thực hiện tốt chính sách tôn vinh doanh nhân giỏi như Chương trình bình xét Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức; chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, tinh thần hợp tác của các doanh nhân… Có như vậy doanh nghiệp mới có thêm động lực vươn lên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO