Cùng với sự phát triển của các nền tảng truyền thông số, mạng xã hội, dịch vụ phát nội dung online (streaming), vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng ở các nước trong đó có Việt Nam đang ngày càng trở nên nhức nhối.
Phát biểu tại buổi thảo luận về “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng” sáng 26/9, bà Ngô Phương Lan, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, các nội dung phát online trái phép như nhạc, phim đã gây tổn hại lớn cho các nhà sáng tạo, phát hành khi họ mất chi phí sản xuất nhưng không thể thu về lợi nhuận tương xứng, bị dồn vào tình huống cạnh tranh không công bằng.
Bà cho rằng vi phạm bản quyền không chỉ gây hại cho nhà phát hành mà còn tổn hại đến nền kinh tế khi ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo các đại biểu tại buổi thảo luận, trong bối cảnh sở hữu trí tuệ trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của nền kinh tế, và Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để thực thi pháp luật trong lĩnh vực này, vẫn có một số khó khăn đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ của lĩnh vực công-tư cũng như hợp tác quốc tế.
Ông Trần Văn Tùng Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhắc đến trường hợp doanh nghiệp Việt phải sang Mỹ đàm phán mua lại tên miền của chính mình, qua đó cho thấy doanh nghiệp cần nhận thức và tìm hiểu đầy đủ về vấn đề đăng ký bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ như thế nào.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề cập đến thực trạng hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được phân phối phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, sử dụng công nghệ cao, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện và người tiêu dùng khó phân biệt hàng giả-hàng thật.
Bên cạnh đó, theo các đại biểu, trong khi tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến một số chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và quá trình xử lý vi phạm chưa thực sự nhanh chóng. Các yếu tố khiến tình trạng xâm phạm quyền tác giả, sản xuất hàng nhải, hàng giả diễn ra phức tạp hơn.
Trước tình hình này, các đại biểu đề xuất tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy chế, chính sách về quyền sở hữu trí tuệ; nghiên cứu chế tài xử phạt hợp lý đối với các hành vi vi phạm; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ thực thi luật về sở hữu trí tuệ; cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về các vấn đề trong sở hữu trí tuệ như đăng ký bản quyền, tiêu dùng thông minh, phân biệt hàng giả, hàng nhái, v.v...
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, khi Việt Nam hướng tới một nền kinh tế tri thức, công nghệ cao, các ngành công nghiệp sáng tạo và nghiên cứu công nghệ mới sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng. Các ngành này chỉ có thể phát triển khi công sức và đặc biệt là ý tưởng của những người làm trong ngành được bảo vệ, trên cơ sở các khung pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp thực thi hiệu quả.
Ông Peter Fowler thuộc Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Thương mại Mỹ (USPTO) cho rằng, các chính sách ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn khi xem xét đến vấn đề tội phạm công nghệ cao và có các hướng tiếp cận mới với hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Khi hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển hơn, các doanh nghiệp sẽ ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ bản quyền thương hiệu và bí mật thương mại, vì vậy việc có những chính sách phù hợp sẽ rất quan trọng để thu hút đầu tư, đặc biệt trong các ngành như công nghệ sinh học, năng lượng sạch, công nghệ xanh.
"Kinh nghiệm ở Mỹ mà chúng tôi thấy là cần làm việc chặt chẽ với khối tư nhân, những người trực tiếp có quyền lợi liên quan đến vấn đề này, bởi họ có thông tin và trực tiếp kiểm soát sản phẩm của mình. Đó cũng là một điểm Việt Nam có thể xem xét tăng cường", ông nói thêm.