Các cơ sở khám, chữa bệnh: Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt

16/06/2022, 09:53

Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng được nhiều người sử dụng do tính nhanh chóng, thuận tiện và an toàn. Phục vụ công tác chuyển đổi số, ngành y tế đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ này trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Tỷ lệ đạt thấp

Lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt là giảm thời gian chờ và hạn chế rủi ro. Thay vì xếp hàng đến lượt thanh toán thì sau khi có thông tin về viện phí, bệnh nhân chỉ cần thao tác bằng tài khoản ngân hàng trên điện thoại hoặc máy cà thẻ ngân hàng di động là nhanh chóng hoàn thiện thủ tục. Với những lợi ích đó, thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ y tế.

Người dân quét thẻ ngân hàng thanh toán viện phí tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn.

Khu vực thanh toán viện phí của Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn đều được dán số tài khoản của bệnh viện để người thân hoặc bệnh nhân tiện giao dịch không dùng tiền mặt. Ngoài ra đơn vị còn bố trí 2 máy cà thẻ di động. Hình thức này giúp cho nhiều bệnh nhân, người thân có thể thao tác thanh toán trên tài khoản cá nhân qua điện thoại hoặc thẻ ngân hàng mà không phải mang theo nhiều tiền mặt. 

Bệnh nhân Lý Thị Hương, ở xã Biên Sơn (Lục Ngạn) đang chăm con ốm tại đây chia sẻ: “Tôi làm công nhân ở Khu công nghiệp Đình Trám. Nghe tin con ốm nhập viện là vội về ngay, chỉ mang theo một ít tiền mặt. May mắn là ở đây chấp nhận nộp tạm ứng viện phí bằng thẻ ngân hàng nên tôi đã nhanh chóng hoàn thành thủ tục nhập viện cho con”.

Trong tháng 3 và 4/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bắt đầu không thu tiền mặt đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà hướng dẫn người bệnh chuyển khoản. Kết quả đã có khoảng 4 nghìn bệnh nhân tại các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 thanh toán chi phí tiền ăn thông qua hình thức này. 

Ngoài ra, có một số trường hợp tạm ứng tiền viện phí bằng chuyển khoản. Tuy vậy so với con số trung bình mỗi năm có hơn 200 nghìn lượt bệnh nhân đến khám và khoảng hơn 40 nghìn lượt bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện thì số giao dịch không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ rất thấp. 

Bà Lại Thị Loan Thanh, Trưởng phòng Tài chính Kế toán (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) cho biết, người đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện rất đa dạng, nhiều thành phần, lứa tuổi nên khả năng tiếp cận với dịch vụ thanh toán hiện đại còn hạn chế. Nhiều gia đình vẫn sử dụng tiền mặt khi đi bệnh viện để thuận tiện nộp viện phí và mua sắm các đồ dùng thiết yếu khác trong quá trình điều trị.

Thông tin từ Sở Y tế, tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 17/18 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán viện phí và các giao dịch khác không dùng tiền mặt. 

Riêng Phòng khám Đa khoa Giao thông Vận tải chưa thực hiện do đơn vị mới chuyển từ Bộ Giao thông - Vận tải về trực thuộc tỉnh. 6 tháng đầu năm đã có 12 đơn vị phát sinh giao dịch với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng, tỷ lệ 2,71%. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hơn 3,1 tỷ đồng; Trung tâm Y tế huyện Lục Nam hơn 390 triệu đồng; Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn 182 triệu đồng...

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn

“Ngành y tế coi việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phục vụ công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ”, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế nói. 

Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn người dân chuyển khoản ngân hàng khi thanh toán các dịch vụ y tế.

Đó là số đông người dân vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, chưa biết cách thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Phần mềm quản lý bệnh viện chưa liên kết, tích hợp với nội dung thanh toán nên các thao tác vẫn thủ công. 

Sau khi thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, cán bộ kế toán phải theo dõi, lưu trữ, đối chiếu và báo cáo, mất nhiều thời gian. Cùng đó, việc triển khai thu tiền thông qua thiết bị chấp nhận thẻ khiến các cơ sở khám, chữa bệnh mất nhiều lần phí giao dịch, trong khi các chi phí này chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế. Mục tiêu hết năm 2022, có ít nhất 50% cơ sở y tế trên địa bàn lắp đặt, sử dụng các phương thức không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt từ 50% trở lên.

Để hoàn thành, theo ông Nguyễn Văn Bình, Sở đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể với từng phần việc. Trong đó yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho 3 trong 4 phương thức như: Mã QR, qua website, qua ứng dụng thanh toán trên điện thoại và máy cà thẻ di động; tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý bệnh viện, cơ sở y tế. 

Mục tiêu hết năm 2022, tối thiểu 50% cơ sở y tế trên địa bàn lắp đặt thiết bị, sử dụng các phương thức không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt từ 50% trở lên.

Phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trên địa bàn để kết nối hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm khám, chữa bệnh bảo đảm cơ sở hạ tầng thanh toán được thông suốt, đa dạng các loại hình và phương thức thanh toán điện tử. Cùng đó bố trí đầu mối, nhân lực để hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh sử dụng dịch vụ. 

Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng sử dụng các nền tảng số y tế trong cán bộ, công chức, người lao động. Hằng quý, triển khai đánh giá, khen thưởng, xếp hạng các đơn vị thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt.

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là nhiệm vụ khó, đòi hỏi quá trình thực hiện liên tục, lâu dài. Với quyết tâm cao của tỉnh, Sở Y tế đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, tăng tỷ lệ người dân tiếp cận với ứng dụng này. Chung tay thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, các ngân hàng xem xét giảm phí giao dịch cho các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân để thu hút nhiều người sử dụng dịch vụ. 

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thanh Nghị, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên cho biết: “Trung tâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng xã hội như facebook, zalo... Bố trí cán bộ chuyên trách hướng dẫn người bệnh và người nhà của họ sử dụng dịch vụ, trước mắt sẽ hướng đến nhóm bệnh nhân là người trẻ, có tài khoản ngân hàng và am hiểu về công nghệ thông tin”.

Bài, ảnh: Vân Nguyên

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO