Hà Nội nên có sơ đồ cảnh báo ngập lụt

13/06/2022, 09:48

Trong khi vấn đề úng ngập chưa được giải quyết dứt điểm, Hà Nội nên có sơ đồ cảnh báo để người dân biết, tránh những tuyến đường ngập nhằm bảo vệ tài sản, phương tiện cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Liệu (một người dân phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) chia sẻ: Thời điểm năm 2008, trận ngập úng lịch sử khiến nhiều khu vực của Thủ đô ngập úng nhiều ngày, tuy nhiên, làng Trung Hòa (địa danh cũ) nơi bà cư trú, vẫn “bình yên vô sự”.

Thời điểm trước năm 2010, tại các trục đường Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng… vẫn chưa xuất hiện các khu chung cư, cao ốc… còn hiện nay mọc lên như nêm cối. Khu đô thị duy nhất thời điểm đó là Trung Hoà – Nhân Chính, nằm ở các tuyến đường ngang như Nguyễn Thị Định, Hoàng Đạo Thuý, Hoàng Minh Giám, Đỗ Quang, Hoàng Ngân… Hai trục chính Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng vẫn là những bãi đất trống mà bà Liệu gọi là “ao rau muống” bỏ không, còn bà vẫn giữ thói quen đi cắt rau muống về nuôi gà, nuôi lợn…

Đường Châu Văn Liêm (làng bún Phú Đô) biến thành sông chiều ngày 29/5

“Có lẽ do có những khu đất trống đó nên nước có đường thoát. Các làng cổ như Trung Hòa, Yên Hòa, Làng Cót… không có cảnh tượng ngập úng, người dân lóp ngóp, bì bõm ngang ngực nước như các làng khác như Phú Đô (nay là phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm - PV). Nhưng, sau gần chục năm thì mọi sự đã khác”, bà Liệu chia sẻ.

Mấy năm gần đây, hễ có mưa to, bà Liệu có kinh nghiệm ở yên nhà, không ra ngoài, vì lý do, “mặt trước mặt sau, đường nào cũng ngập. Nước mưa không thoát được, hòa với nước cống rãnh… rất mất vệ sinh. Nếu không có việc gì quan trọng cần phải ra đường, tôi cứ ngồi yên trong nhà đợi nước rút”, bà Liệu nói.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng (phường Định Công) làm nghề xe ôm chở khách nên không thể không ra đường ngay cả khi trời mưa. Làm nghề xe ôm lâu năm, khách của ông đều là "bạn hàng" quen, khi họ đi đâu thường gọi điện để ông đến tận nơi đưa đi.

Ngập úng tại Hà Nội

“Trục đường Nghiêm Xuân Yêm – Khuất Duy Tiến trước không có cảnh tượng ngập lụt sâu như hiện nay. Các tòa chung cư cao tầng mọc lên san sát dọc đường vành đai 3, dù đã có đường trên cao để giảm ùn tắc nhưng cảnh tắc đường vẫn chưa bao giờ hết. Giờ cao điểm, nếu không luồn lách trên vỉa hè thì phải rất lâu mới qua được vài km từ cầu Dậu để sang đường Nguyễn Trãi. 

Tắc đường, phương tiện tràn lên vỉa hè đã phá nát vỉa hè dọc hai bên đường Nghiêm Xuân Yêm. Nắp cống thoát nước sứt mẻ, hỏng hóc… nên đất đá, rác thải tràn xuống cống khiến đã ngập lại càng thêm ngập úng” – ông Hùng nói.

Cùng chung nỗi lo ngại mỗi khi trời mưa, anh Phạm Xuân Chính (cư trú tại một chung cư gần Thiên đường Bảo Sơn) mỗi ngày đi làm phải vượt chục km theo hướng Đại lộ Thăng Long để đến nơi làm việc. Trận mưa lịch sử chiều ngày 29/5 vừa qua, anh Chính phải ngủ lại chỗ làm, không dám về vì biết, nếu về nước ngập hết xe máy.

Nhiều người đã tận dụng thời điểm ngập úng để mưu sinh

“Gần đây, Đại lộ Thăng Long mới bị ngập sâu như vừa qua. Các tuyến đường ngang, hầm vượt nhánh ngang bị dồn ứ, nước lên rất nhanh và rút rất chậm. Có lẽ, hệ thống thoát nước không có hiệu quả”, anh Chính bày tỏ.

Tuy nhiên, ngập lụt cũng là cơ hội mưu sinh của không ít người. Một nhóm người dân sinh sống tại làng Miêu Nha, An Khánh, An Thượng… đã chuẩn bị thuyền, bè, xe lôi, xe cái tiến… trực sẵn những khi trời mưa lớn. Họ có thêm thu nhập bằng cách “tăng bo” xe máy qua chỗ ngập.

“Mỗi một chiếc xe máy kéo qua chỗ ngập úng, tiền công từ 20 – 50 ngàn đồng. Trận mưa lớn chiều 29/5 vừa rồi, anh em tôi cũng kiếm được tiền triệu nhờ đẩy xe máy qua chỗ ngập”, anh Bình, người dân ở khu vực Miêu Nha (huyện Hoài Đức) chia sẻ. 

Hà Nội nên có sơ đồ cảnh báo ngập úng

Mới đây, Hà Nội công bố kết luận thanh tra về việc hàng loạt các chung cư cao tầng được “nhồi nhét” phá nát quy hoạch tại các KĐT Trung Hoà – Nhân Chính, dọc các trục đường lớn như Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng… Việc điều chỉnh tăng mật độ, tăng số tầng… khiến gia tăng dân số cơ học, tạo thêm áp lực cho giao thông đô thị.

Trong lúc chờ phương án dài hơi, Hà Nội nên có sơ đồ cảnh báo ngập úng

Chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng ngập úng kéo dài mà vẫn chưa có phương án khả thi, các chuyên gia cho rằng có nguyên nhân của việc phá nát quy hoạch, cấp phép các dự án BĐS tràn lan trên cả hành lang thoát lũ khiến hệ thống thoát lũ bị chia cắt, nước không có đường thoát ra các cửa cống để đổ ra các lưu vực song… Ngoài ra, sự xuống cấp của hệ thống thoát nước nội đô theo thời gian nhưng chưa được nâng cấp… cũng góp phần khiến “phố thành sông” mỗi khi mưa lớn. 

Ông Hoàng Dương Tùng, chuyên gia môi trường cho biết: Rác thải, chất lượng không khí, tắc đường, ngập úng… là những vấn đề tồn tại của các đô thị nói chung chứ không riêng Hà Nội. 

Tuy nhiên, trong lúc chưa có phương án dài hơi, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Hà Nội nên xây dựng sơ đồ cảnh báo ngập úng, đặt biển cảnh báo các tuyến phố, các khu vực ngập úng để người dân chủ động tránh, không đi vào đó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản, phương tiện.

Người đàn ông bất lực giữa biển nước mênh mông. Nếu được cảnh báo, sẽ tránh được điểm ngập úng này. Ảnh: Dân Trí

“Sau những trận mưa lớn, chúng ta đều biết phố nào, đường nào bị ngập. Lượng mưa bao nhiêu sẽ gây ra tình trạng ngập úng như thế nào… Các điểm ngập úng nặng cần có biển cảnh báo, giống như biển báo phương tiện giao thông để người dân biết được, tránh không đi vào những chỗ đó.

Tôi cám cảnh hình ảnh một thanh niên bất lực ngồi trên nắp ca-pô xe giữa biển nước mênh mông vừa được lan truyền trên mạng xã hội. Nếu như có biển cảnh báo ngập, anh ta sẽ chủ động chọn tuyến đường khác, không phải chịu cảnh nước ngập lên tận cửa xe, tiến thoái lưỡng nan. 

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng nên bố trí lực lượng - phương tiện cứu hộ hỗ trợ người dân. Hàng ngàn phương tiện lóp ngóp giữa biển nước, chắc chắn dễ hỏng hóc. Đó là thiệt hại về tài sản”, ông Tùng nói.

Nhân viên công ty thoát nước Hà Nội chống ngập.

Đánh giá công tác thoát nước của Hà Nội trong thời gian qua có nhiều cải thiện, các điểm ngập úng thường là cục bộ, bị ngập trong thời gian ngắn và sau đó cũng nhanh chóng rút đi…, tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, trong lúc chờ đợi các giải pháp lâu dài, nên có các phương án tại chỗ, ngắn hạn.

“Chúng ta đang chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Các cảnh báo trực tuyến về tình trạng ùn tắc giao thông, cảnh báo về chất lượng không khí, ô nhiễm không khí… trên các phần mềm, app ứng dụng cài trên điện thoại thông minh. Chúng ta hoàn toàn có thể có thông tin khuyến cáo về tình trạng ngập úng bằng cách tương tự đến người dân, bên cạnh đó là việc xây dựng sơ đồ cảnh báo ngập úng, các biển chỉ dẫn ngập úng, bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ. Điều này hoàn toàn làm được ngay mà không cần phải chờ đợi lâu”, chuyên gia Hoàng Dương Tùng phân tích.

Kiên Trung


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO