Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Khối Thông tin tuyên truyền thuộc Bộ TT&TT vừa diễn ra chiều 9/12/2021 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Khối Thông tin tuyên truyền gồm 5 đơn vị gồm: Cục Báo chí, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin cơ sở, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Xuất bản – In và Phát hành.
Theo ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (TTĐN), trong năm qua, công tác TTĐN đã đạt được một số kết quả trên cả 3 lĩnh vực gồm: Xây dựng thể chế, chính sách, các đề án, chiến lược, dự án, kế hoạch…; Thực thi quản lý nhà nước, điều phối hoạt động của các lực lượng tham gia công tác TTĐN trên toàn quốc; Hoạt động TTĐN.
Ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại. |
Những khó khăn, vướng mắc mà Cục TTĐN đang phải đối diện là sự thay đổi quá nhanh chóng với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình chính trị, kinh tế xã hội, khoa học công nghệ; Thiếu các nguồn lực như nhân lực, tài chính, công nghệ.
Để vượt qua khó khăn, Cục TTĐN xác định sẽ đổi mới, sáng tạo phương thức, hình thức hoạt động TTĐN mà chuyển đổi số là then chốt, theo đó sẽ phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường số.
Bà Lê Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở. |
Báo cáo những kết quả nổi bật trong năm qua, đại diện Cục Thông tin cơ sở (TTCS), Phó Cục trưởng Lê Hương Giang lưu ý, hệ thống TTCS với sự kiên trì, bền bỉ đã mang lại hiệu quả thông tin trực tiếp đến người dân mà không có kênh truyền thông nào có thể làm được với số lượng người dân được tiếp cận thông tin rất lớn (khoảng 80 triệu người).
Thời gian tới, Cục TTCS cần phải giải quyết những khó khăn, thách thức lớn, gồm: Chưa xây dựng được hệ thống thông tin nguồn cấp Trung ương và cấp tỉnh; Công nghệ, thiết bị kỹ thuật của hệ thống TTCS thiếu, xuống cấp, lạc hậu; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; Phương thức cung cấp thông tin và tiếp nhận thông tin phản hồi từ người dân vẫn theo cách làm truyền thống…
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí. |
Chia sẻ thông tin về hoạt động của Cục Báo chí, Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, năm 2021 đã làm được nhiều việc. Đáng chú ý, đã hoàn thành việc trình sửa đổi thông tư, chiến lược lĩnh vực báo chí, chiến lược chuyển đổi số báo chí; Tham gia đào tạo kỹ năng báo chí cho hơn 1.000 lượt phóng viên, nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, sở TT&TT; Chuẩn bị tốt cho việc tổ chức diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí trong kỷ nguyên số”, làm tiền đề cho việc ban hành 1 thông tư về chuẩn đầu ta cho đào tạo đại học chuyên ngành báo chí, truyền thông…
Trong năm 2022, Cục Báo chí sẽ triển khai nhiều việc lớn như: Giải quyết căn cơ vấn đề kinh tế báo chí; Đào tạo kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin cho khoảng 2.000 lượt phóng viên, nhân viên cơ quan báo chí; Hỗ trợ, thúc đẩy các tạp chí khoa học phát triển về chất lượng, nâng thứ hạng tạp chí khoa học Việt Nam trong khu vực; Và giải quyết những việc lớn khác đã tồn đọng nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành. |
Đại diện Cục Xuất bản - In và Phát hành, Cục trưởng Nguyễn Nguyên chia sẻ nhiều thông tin về hiện trạng khó khăn của ngành. Có đơn vị xuất bản không có doanh thu. Lĩnh vực phát hành giảm tới 23% doanh thu. Hoạt động in cũng giảm doanh thu khoảng 5%.
Tuy nhiên, ngành xuất bản đã và đang đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, từng bước hình thành thị trường xuất bản điện tử, đặc biệt là thị trường sách nói. Phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt khoảng 2.700 đầu sách điện tử, với 25 – 30 triệu lượt truy cập, tăng khoảng 10 – 12 lần so với năm 2020.
Sang năm 2022, Cục Xuất bản – In và Phát hành sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hoàn thiện hệ thống dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh; Phát triển các nền tảng số để thúc đẩy văn hóa đọc; Xây dựng và phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung…
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử. |
Còn đối với Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục trưởng Lưu Đình Phúc nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong năm 2021 như: Ra đời Trung tâm xử lý tin giả đầu tiên và duy nhất tài Việt Nam; Bổ sung bộ chỉ số đo lường khán giả truyền hình; Gỡ bỏ hàng chục nghìn tin bài, clip xấu độc…
Năm 2022, bên cạnh nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật, Cục sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực phát thanh truyền hình; Siết chặt quản lý vi phạm trên không gian mạng; Phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp đồng bộ quản lý mạng xã hội xuyên biên giới…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Khối Thông tin tuyên truyền cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa các nền tảng cho báo chí – tuyên truyền – xuất bản.
Cả 5 cơ quan quản lý báo chí – tuyên truyền – xuất bản thuộc Bộ TT&TT cũng phải sớm chuyển đổi số. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2022 phải chuyển đổi công việc lên môi trường số. Đồng thời cần tập trung hoàn thiện thể chế số vì không gian số cần thể chế số.
Mặt khác, cần xử lý dứt điểm những vấn đề đã tồn tại lâu nay. Nhiều vấn đề khó nhưng thay đổi cách tiếp cận thì sẽ trở nên dễ hơn.
Bình Minh