Chính quyền kiến tạo môi trường số…
Ở huyện biên giới Bù Đốp, các giải pháp đưa người dân lên môi trường số được đẩy mạnh quyết liệt. Chính quyền đã đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công và làm đầu mối tập trung các phòng, ban, cơ quan, đơn vị trong huyện tiếp nhận, phối hợp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Cũng tại đây, người dân và doanh nghiệp tiếp cận, làm quen với cách thức đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến. Anh Nguyễn Bá Quang ở thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cho biết: Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp tổ chức các quầy hỗ trợ người dân tra cứu thông tin và nộp hồ sơ trực tuyến. Cùng với đó là linh hoạt triển khai tổng đài tự động thông báo kết quả giải quyết TTHC qua tin nhắn để người dân kịp thời đến nhận kết quả, không cần chờ đến ngày hẹn trả trên phiếu tiếp nhận hồ sơ như trước. Điều này rất thuận lợi cho người dân.
Chính sự chủ động của chính quyền và hưởng ứng của người dân, 100% TTHC của huyện Bù Đốp đã được cung cấp qua cổng dịch vụ công. Hồ sơ xử lý qua mạng đã rút ngắn thời gian từ 40-60%. Người dân được tạo điều kiện khi thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí rất nhiều.
Chị Đinh Thị Huê, nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp chia sẻ: “Trung tâm đã triển khai nhiều kênh giao tiếp, trao đổi thông tin với người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ. Các phương thức thanh toán phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính không dùng tiền mặt đang nhận được sự hưởng ứng của người dân vì sự tiện lợi, giảm chi phí xã hội trong giao dịch tài chính liên quan đến quá trình giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện và bộ phận một cửa các xã, thị trấn”.
Cánh cửa bước vào thế giới số của người dân rộng mở hơn khi Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP, thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, cùng với ứng dụng VNeID sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước. Như trong lĩnh vực y tế, người dân đi khám, chữa bệnh chỉ mang theo thẻ CCCD là đã tích hợp đủ giấy tờ. “Thay vì mang thẻ bảo hiểm y tế và nhiều giấy tờ tùy thân khác khi đến khám, chữa bệnh, nay tôi chỉ cần sử dụng thẻ CCCD của mình để quét trên máy. Chỉ sau vài phút, tôi đã hoàn tất việc đăng ký khám, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế” - anh Hoàng Ngọc Tiên ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long cho biết.
Muốn có nhiều công dân số thì cần có các hoạt động hỗ trợ đưa người dân lên môi trường số. Chính vì vậy, các tổ công nghệ số cộng đồng đã dành nhiều thời gian đến địa bàn hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ theo cách “cầm tay chỉ việc”, từ việc tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia cho đến sử dụng các dịch vụ số thiết yếu gắn với đời sống dân sinh như y tế, giáo dục, thanh toán trực tuyến, nộp hồ sơ TTHC trực tuyến…
…người dân chủ động “nâng cấp” mình
Hiện tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh tại Bình Phước đạt 78%; mạng di động 3G/4G đã phủ sóng 843/843 thôn, ấp. Theo đó, người dân trong tỉnh dễ dàng thực hiện các thao tác, sử dụng những tiện ích thông minh như thanh toán không dùng tiền mặt, đi chợ online, tra cứu hay nộp hồ sơ điện tử. Anh Nguyễn Nho Phượng ở xã Minh Đức, huyện Hớn Quản cho hay: Một số lĩnh vực yêu cầu người dân phải nộp trực tuyến, vì vậy tôi đã tự tìm hiểu, tiếp cận công nghệ bằng nhiều cách để có kỹ năng cần thiết trở thành công dân số.
Nhờ có nhiều công dân số, tổ chức số nên việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC hiện rất nhanh gọn, không còn cảnh trên bàn cán bộ, lãnh đạo lúc nào cũng đầy ắp hồ sơ chờ xử lý. Quá trình giải quyết hồ sơ của cấp dưới được thực hiện đến đâu, cấp trên có thể nắm được đến đó nhờ kiểm tra trên hệ thống, xử lý hoàn toàn trên mạng. Với nhiều nỗ lực, Bình Phước đã có 1.468 dịch vụ công được kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. TTHC nộp trên dịch vụ công trực tuyến theo quy trình khép kín từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số đến trả kết quả trên môi trường mạng.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 5 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận gần 27.000 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến là 22.071, hồ sơ công khai mức độ 3, 4 là 22.806, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt gần 97%. Anh Phan Thiện Hòa, chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Chuyển đổi số ngày càng mạnh thì áp lực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tiếp sẽ càng giảm. Thay vì người dân trực tiếp đến cơ quan nhà nước giải quyết hồ sơ thì có thể ngồi ở nhà hay bất cứ đâu cũng có thể giải quyết được và nhận kết quả tại nhà. Đặc biệt mới đây, trung tâm đã phối hợp Sở Giao thông vận tải và Bưu điện tỉnh triển khai đổi giấy phép lái xe mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Như vậy, người dân có thể tự làm các thủ tục đổi giấy phép lái xe mà không cần đến trụ sở của các cơ quan nhà nước như trước.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của nhiều người dân thì vẫn còn những khó khăn khi công dân lớn tuổi, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhanh nhạy trang bị kỹ năng trở thành công dân số; vẫn có những thời điểm hệ thống xử lý văn bản còn chậm do chất lượng đường truyền chưa ổn định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết TTHC.
Ở vùng sâu, vùng xa, để người dân chủ động tiếp cận dịch vụ công rất khó. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai linh hoạt nhiều giải pháp, thành lập các tổ xung kích, tuyên truyền, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho từng người, từng trường hợp khi phát sinh hồ sơ. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng nhanh nhạy tiếp thu kỹ năng nộp hồ sơ trực tuyến. Điều này đòi hỏi người dân phải kiên trì và cán bộ, công chức trực tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa phải trách nhiệm hơn. Anh ĐỖ ĐÌNH HÙNG, công chức phụ trách hộ tịch xã Bom Bo, huyện Bù Đăng |
Bình Phước đang thực hiện bước đi khá mạnh mẽ trong chiến lược chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử. Việc thực hiện thành công chiến lược này sẽ tạo đà cho tỉnh có thêm những bước phát triển đột phá, đồng thời tăng tính minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cải cách hành chính. Chính vì vậy, không chỉ chính quyền nỗ lực tạo ra nhiều tiện ích trong chuyển đổi số mà mỗi người dân, doanh nghiệp cũng phải tự nâng cấp mình thành những công dân số. Khi bộ máy nhà nước và người dân “ăn khớp” với nhau thì mục tiêu xây dựng chính phủ số sẽ sớm hoàn thành.