Qua đó, từng bước mở rộng mạng lưới phục vụ, nối liền khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, ngày càng đem lại nhiều tiện ích cho người dân và xây dựng hình ảnh ngành bưu chính, chuyển phát hiện đại, chính xác, an toàn.
Với vị trí địa lý thuận lợi, đa dạng về loại hình giao thông, Vĩnh Phúc hiện đang thu hút 15 DN hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát như Viettel Post, VNPost, J&T Express…
Với những lợi thế về tài chính, công nghệ cùng hạ tầng số tương đối phát triển, các DN này cung cấp đến đông đảo người dùng nhiều tiện ích hiện đại như kho dữ liệu điện tử tập trung; dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thương mại điện tử đến hộ gia đình…
Qua đó, gia tăng trải nghiệm đáng kể cho người dân cũng như tạo thuận lợi trong hoạt động của các tổ chức, cơ quan, DN trên địa bàn.
Nhờ thực hiện những định hướng chiến lược như "Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ", “Tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa” , “Hội nhập và phát triển”... đến nay, Bưu điện tỉnh đã xây dựng được mạng lưới phục vụ rộng khắp, bao gồm 31 bưu cục; 107 điểm Bưu điện Văn hoá xã; 4 tuyến vận chuyển bưu chính cấp II bằng ô tô với tổng chiều dài hơn 150km/ngày; 25 tuyến vận chuyển bưu chính cấp III bằng ô tô với tổng chiều dài hơn 1.000 km/ngày; 205 tuyến phát bưu gửi, báo chí với tổng chiều dài trên 6.500 km/ngày.
Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh còn phát triển nhiều dịch vụ mới, hiện đại, song hành cùng các loại hình dịch vụ kinh doanh truyền thống như chuyển phát nhanh EMS, phát hàng thu tiền COD, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, logistics… 5 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của đơn vị đạt 105 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch năm.
Có mặt tại Trung tâm Khai thác - Vận chuyển (Bưu điện tỉnh), điều dễ nhận thấy là 100% nhân viên tại đây được trang bị trang phục đồng phục theo tiêu chuẩn của Bưu điện Việt Nam, cùng với đó là không khí lao động khẩn trương, tập trung cao độ để phân loại hàng nghìn bưu phẩm, bưu kiện, bưu chính ủy thác cùng các loại… để vận chuyển đến các các bưu cục, điểm Bưu điện Văn hoá xã trong tỉnh.
Không gian kho vận lên tới 700 m2/sàn cùng việc trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, như hệ thống máy tính, máy quét mã vạch, cân điện tử, 2 xe nâng, 40 xe lồng, 4 xe tải vận chuyển hàng hóa có tải trọng từ 3 - 8 tấn… đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển khối lượng hàng hóa lên tới 20 tấn/ngày.
Bên cạnh việc ứng dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại số, mở rộng và phát triển thêm nhiều dịch vụ mới, đơn vị còn tích cực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình hiện đại hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Anh Trần Văn Dũng, nhân viên bưu tá Trung tâm Khai thác- Vận chuyển cho biết: "Thay vì hình thức chuyển phát, thu tiền mặt như trước kia, phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh đã quen với việc thanh toán online qua tài khoản ngân hàng hoặc qua các ứng dụng liên kết ví điện tử, nhất là khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Tiki, Lazada, tiktok...
100% nhân viên bưu tá của trung tâm đã được tập huấn và sử dụng thành thạo mã QRcode nhằm khuyến khích, gia tăng tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt".
Nói về định hướng phát triển của đơn vị trong thời gian tới, ông Dương Xuân Toán, Phó Giám đốc Trung tâm Khai thác - Vận chuyển cho biết: “Để phù hợp với nhu cầu phát triển các loại hình bưu chính, chuyển phát, mua sắm trên các sàn TMĐT của người dân, ngoài việc chú trọng đầu tư, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị, máy móc, phát triển đội ngũ nhân viên nghiệp vụ, chúng tôi mong được tiếp tục mở rộng mặt bằng lên 2.000 m2, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và phát huy hiệu quả hoạt động SXKD”.
Không ngừng đổi mới sáng tạo để nhanh nhạy thích ứng với tình hình mới, Ban Giám đốc Bưu điện tỉnh luôn chú trọng xây dựng và tổ chức hoàn thiện hệ thống mạng phát, tuyến phát kết hợp thu gom bưu gửi, đảm bảo lưu thoát khớp nối bưu gửi 2 chiều đi và đến với các tuyến đường thư cấp 1, 2, 3.
Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai việc lắp đặt, sửa chữa và bảo dưỡng các thiết bị CNTT phục vụ SXKD. Khắc phục, xử lý kịp thời các sự cố máy tính, đường truyền và các phần mềm ứng dụng tại các đơn vị, đảm bảo SXKD đạt hiệu quả cao.
Để hiện thực hóa mục tiêu bưu chính trở thành hạ tầng quan trọng của nên kinh tế số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, xã hội số được đề ra theo Kế hoạch Phát triển hạ tầng số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, các DN bưu chính trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển TMĐT.
Hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia các sàn TMĐT như Voso.vn, postmart.vn… Triển khai Mã địa chỉ bưu chính Vpostcode gắn với bản đồ số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, hình thành cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng đô thị thông minh, phục vụ người dân và hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT và logistics.
Thúc đẩy hoạt động cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công ích, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số chuyển đổi số, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá để người dân, DN sử dụng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode đối với các dịch vụ liên quan đến địa chỉ; sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Chủ động tổ chức đào tạo, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhằm phù hợp với xu thế hội nhập cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc quản lý, khai thác mạng lưới, cung cấp dịch vụ để giảm chi phí, giá thành và nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN, đảm tính thống nhất, an toàn, an ninh thông tin…
Ngọc Lan