Bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp

02/08/2021, 10:11

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn là đòi hỏi cấp thiết, buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thậm chí nông dân phải chuyển động để thích nghi.

(QBĐT) - Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn là đòi hỏi cấp thiết, buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thậm chí nông dân phải chuyển động để thích nghi.
Tại Quảng Bình, dù chỉ mới manh nha, nhưng chuyển đổi số trong lĩnh vực quan trọng này đang dần cho thấy nhiều tiềm năng, lợi thế nếu thực sự biết cách khai thác hiệu quả.
Với diện tích hai trang trại 9ha (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) và 7ha (phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới), ngay từ buổi ban đầu, Công ty TNHH Thương mại Hiếu Hằng đã nỗ lực ứng dụng các công nghệ hiện đại, phù hợp.
Ông Lê Xuân Tế, Giám đốc Công ty cho biết, trang trại được trang bị các nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt công nghệ Israel được điều khiển bằng thiết bị điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát theo dõi sinh trưởng của cây.
Trang trại của Công ty TNHH Thương mại Hiếu Hằng bước đầu ứng dụng một số tiện ích công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Các ứng dụng này hỗ trợ tích cực cho đội ngũ quản lý trang trại và người lao động tham gia sản xuất. Qua đó, thuận tiện trong theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp và giảm bớt sức lao động.
Nhờ vậy, trang trại linh động, đa dạng cây trồng trong năm, mùa hè có các loại dưa lưới, quýt, bưởi…, mùa đông có thêm hoa để bán phục vụ Tết Nguyên đán. Thời gian tới, tùy theo nhu cầu thực tế, công ty sẽ trang bị thêm hệ thống cảm biến nhiệt độ, đo nhiệt độ môi trường và một số công nghệ số hiện đại khác.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Tế, đây chỉ mới là những bước đi chập chững ban đầu đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp của công ty. Bởi, trên thực tế, công ty vẫn rất cần sự tư vấn, hướng dẫn chuyên nghiệp của cơ quan chuyên môn; từ đó, mạnh dạn xây dựng các chương trình, đề án về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đặc biệt, việc được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cũng đóng vai trò quan trọng.
Đang duy trì trang trại chăn nuôi lợn với diện tích hơn 1.600m2 sử dụng hệ thống máy lạnh với ông Nguyễn Văn Trung, nhưng ông Nguyễn Xuân Vũ (xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy) vẫn mạnh dạn đầu tư trang trại mới diện tích hơn 33.000m2 với kinh phí 25 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ, với sự hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, công nghệ của Tập đoàn GreenFeed, ông sẽ phát triển trang trại theo hướng công nghệ cao, áp dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, hướng đến chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi. Dự kiến, cuối năm nay, trang trại sẽ đi vào hoạt động với 375 lợn sinh sản, cung cấp cho thị trường 1.200 lợn giống/năm.
Các sản phẩm rau rau củ quả của An Nông Farm có tem truy xuất nguồn gốc, thuận tiện cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng.
Có thể thấy, mặc dù chưa hiện diện rõ ràng nhưng chuyển đổi số trong nông nghiệp đã bắt đầu “lộ diện” ở một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và mới chỉ dừng ở mức sử dụng một vài ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản…
Thực tế đó cho thấy tính thực tiễn của xu hướng toàn cầu này và đòi hỏi một sự chuẩn bị, kế hoạch dài hơi của tỉnh, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để có thể khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của chuyển đổi số.
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, tỉnh đang chờ các chương trình, kế hoạch cụ thể từ Trung ương để bắt tay triển khai kế hoạch chuyển đổi số cho nông nghiệp Quảng Bình. Trên thực tế, một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đã manh nha sử dụng các tiện ích của công nghệ số.
Mặc dù còn nhỏ lẻ và mới ở giai đoạn sơ khai, nhưng sở luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mạnh dạn chuyển đổi số để bắt kịp với xu hướng thị trường.
Riêng với Quảng Bình, chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn trước những đòi hỏi cao về nguồn nhân lực, nguồn vốn, khoa học công nghệ… và yêu cầu đổi mới cấp bách trong nội tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Thời gian tới, một trong những trọng tâm mà ngành Nông nghiệp chú trọng trong chuyển đổi số chính là khâu tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, trước những thách thức của dịch bệnh Covid-19, công tác này sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, qua đó, nâng cao lợi thế, vị trí cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản.
Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QÐ-TTg về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo đó nông nghiệp được xác định là một trong những ngànhưu tiên chuyển đổi số. Cụ thể, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý…

Mai Nhân
Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO