Bắc Kạn ưu tiên đào tạo về ứng dụng CNTT cho cán bộ trẻ dân tộc thiểu số

PV | 12/10/2021, 10:26

Là một trong những tỉnh miền núi có dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Bắc Kạn luôn đặt vấn đề ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc theo chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Việc đầu tư đúng hướng đã giúp cho tỉnh miền núi phía Bắc vươn lên, phát triển cả về kinh tế - xã hội và nhất là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong những năm gần đây.

Đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ là người DTTS

Ở thời điểm hiện nay, theo thống kê về nhân khẩu học tỉnh Bắc Kạn, có khoảng 280.000 người thuộc các DTTS trong tổng số hơn 314.000 người. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức DTTS của tỉnh là hơn 11.000 người, chiếm tỷ lệ 81,2% số cán bộ, công chức, viên chức… toàn tỉnh. Trong số này, gần 300 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương. Tỷ lệ cán bộ thuộc DTTS tham gia các cấp Đảng, chính quyền, HĐND chiếm hơn 70%.

Tỉnh Bắc Kạn ưu tiên thực hiện những chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS. (Ảnh: Cổng thông tin Bắc Kạn)

Điều đó cho thấy thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo rất sát sao và hiệu quả công tác đào tạo cán bộ là người DTTS để đi đầu trong công tác triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương một cách có hiệu quả. Để làm như vậy, trước hết cần nói đến nhận thức của các cấp lãnh đạo trung ương và địa phương. Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh đã quyết liệt ưu tiên thực hiện những chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS, trong đó bao gồm 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 4 Nghị định của Chính phủ và 12 chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo đối với đồng bào DTTS.

Theo đó, chính sách phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS được chia làm 4 nhóm: chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng; chính sách hỗ trợ đối với người học về học bổng, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí, chế độ cử tuyển, tuyển thẳng vào đại học, dự bị đại học, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh, ưu tiên trong đào tạo, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; chính sách đầu tư đối với các cơ sở đào tạo vùng DTTS và miền núi; chính sách phát triển hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS và miền núi.

Thực hiện một cách nghiêm túc và sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, từ năm 2018, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án "Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025" theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Với mục đích cập nhật, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là khả năng ứng dụng CNTT, cho đội ngũ cán bộ người DTTS, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo triển khai đến các Sở, ban, ngành và UBND các thành phố, huyện, thị,… tổ chức ra soát, tổng hợp nhu cầu cập nhật, nâng cao kiến thức, ứng dụng tin học,… cho các cán bộ người DTTS.

Chủ trương và thực hiện hoạt động đào tạo cán bộ DTTS được thực hiện đúng quy định, trong đó, tập trung và lồng ghép những nội dung như lý luận chính trị, học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh… Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ, năng lực và đặc biệt là khả năng áp dụng CNTT của đội ngũ cán bộ DTTS, góp phần thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

Biến cán bộ DTTS thành cầu nối…

Nhận thức được việc sử dụng cán bộ là người DTTS có vai trò tiên quyết đến triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách nhà nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều đổi mới, sáng tạo đối với hoạt động bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ này, từng bước sử dụng họ trong mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền.

Từ thời điểm triển khai thực hiện Đề án đến nay đã được hơn 3 năm, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhà khoa học,… của tỉnh là người DTTS đã được đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch. Họ không ngừng trau dồi bản lĩnh, nâng cao trình độ tri thức cũng như các kỹ năng về ngoại ngữ, CNTT, tiếng dân tộc…. để phát huy được năng lực, góp phần đắc lực trong công tác tham mưu, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ DTTS làm công tác dân tộc các cấp cũng được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT. Đồng thời, tỉnh cũng từng bước áp dụng CNTT trong giảng dạy, phổ cập kiến thức trong các trường Dân tộc nội trú, trường Cao đẳng Bắc Kạn với hy vọng nguồn nhân lực có trình độ cao là người DTTS sẽ ngày các dồi dào hơn.

Nắm bắt một cách nhanh chóng xu thế tất yếu của xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, năm 2020, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 185-KH/TU về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách về đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong số những nội dung được đưa ra, tỉnh đã đề cập đến việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đào tạo cán bộ DTTS ứng dụng CNTT nhằm góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử.

Khó khăn vẫn còn

Tuy đã có được kết quả tích cực ban đầu, nhưng do kinh phí quá lớn, đối tượng nguồn nhân lực là DTTS cũng bị thu hẹp do cơ chế cử tuyển, nên hiệu quả chưa thực sự cao. Năm 2020, trong báo cáo giám sát việc thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số thời kỳ mới, giai đoạn 2016- 2020 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bắc Kạn, cho thấy một số tồn tại và hạn chế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS, trong đó có những vấn đề như trình độ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chưa thực sự tương xứng với chất lượng, hiệu quả thực tế. Năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và xử lý các tình huống, vấn đề phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ.

Học sinh trường PTTH nội trú tỉnh Bắc Kạn.

Bên cạnh đó, một số DTTS ở vùng cao như Ba Bể, Ngân Sơn, Pác Nặm,… do điều kiện kinh tế khó khăn nên học sinh, sau khi kết thúc chương trình phổ thông Trung học, ít có cơ hội học nâng cao. Vì lẽ đó, cơ hội dự tuyển vào các cơ quan nhà nước cũng khan hiếm. Ví dụ như số cán bộ, công chức huyện Pác Nặm, tính đến cuối 2019, có 263 người là DTTS, trong đó có 6 người Mông, trong khi dân tộc này chiếm tới 30% dân số toàn huyện. Hay như không có cán bộ nào là người dân tộc Sán Chỉ…

Nói về vấn đề này, bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, chia sẻ: "Khó khăn hiện tại là việc thi tuyển công chức không có cơ chế đặc thù cho con em DTTS, dẫn đến việc các em khó thi đỗ, dẫn tới hậu quả là thiếu cán bộ am hiểu phong tục, tập quán, biết tiếng dân tộc ở cơ sở ngày càng ít. Vì vậy, nên chăng cần có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Sán Chay… để có được cán bộ tốt, phù hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiếp tục quan tâm, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; huy động, bố trí kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số và tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh".

Để giúp các tỉnh miền núi nói chung và Bắc Kạn nói riêng có được nguồn nhân lực chất lượng cao là người DTTS, thiết nghĩ bên cạnh những chủ trương, chính sách về dân tộc thiểu số, Chính phủ cũng nên xây dựng thêm một số cơ chế ưu tiên, đặc cách, cử tuyển… giúp lượng cán bộ, công chức, viên chức, là người DTTS tăng hơn so với hiện tại, có thể trở thành cầu nối giữa chính quyền và người dân địa phương trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc và hoạt động tiếp cận thông tin ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO