Yên Bái hướng tới nền nông nghiệp thông minh

24/06/2021, 12:14

Những năm gần đây, nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) đã được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cũng như sức cạnh tranh của nông sản Yên Bái trên thị trường. Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất bước đầu hình thành một nền nông nghiệp 4.0, mở ra nhiều kỳ vọng cho nông nghiệp tỉnh nhà.

Mô hình trồng lan Hồ điệp áp dụng công nghệ Israel của Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi Hòa Lộc.
Mô hình trồng lan Hồ điệp áp dụng công nghệ Israel của Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi Hòa Lộc.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Đến thăm mô hình trồng lan Hồ điệp theo công nghệ Israel với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng của Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi Hòa Lộc tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, chúng tôi bị choáng ngợp bởi một mô hình trồng hoa lan hiện đại đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ diện tích trên 13.000 m2 được xây dựng 4 nhà kính có hệ thống thông gió, điều hòa nhiệt độ, hệ thống phun sương… được nhập khẩu trực tiếp từ Israel. Mô hình trồng lan của Công ty được chăm sóc nghiêm ngặt. 

Trong mỗi nhà trồng lan đều có hệ thống làm mát, điều chỉnh từ nhiệt độ, ánh sáng đến độ ẩm theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây; hệ thống tưới được cài tự động theo hình thức nhỏ giọt và phun sương... tất cả đều được áp dụng công nghệ của Israel. 

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng quy trình quốc tế nên cây lan to, khỏe, lá xanh, cánh hoa dày, màu sắc đậm. Cành lan đến khi xuất bán dài 70 - 75cm, nhiều giò phân 2 - 3 nhánh hoa vẫn đều như nhau. 

Ông David Eshel - chuyên gia nông học Israel cho biết: "Khi sản xuất hoa lan theo công nghệ Israel sẽ kiểm soát được nhiệt độ duy trì từ 26 - 270C, độ ẩm tốt nhất khoảng trên 70%. Kiểm soát tốt nhiệt độ, độ ẩm cây hoa phát triển tốt và cho hoa đúng thời điểm mong muốn”. Dự kiến, hơn 130.000 giò lan Hồ điệp của Công ty sẽ nở hoa vào trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tầm 1 tháng. 

Quan tâm đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao vào SXNN đã và đang trở thành xu hướng trong SXNN ở Yên Bái hiện nay. Người dân đang dần thay đổi từ SXNN thủ công, dùng sức người là chính sang phương thức canh tác mới, sử dụng máy móc, công nghệ để thay thế. Điều này, không những đã giúp nông nghiệp của tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Tay trái cầm điện thoại thông minh kết nối mạng Internet, tay phải chạm nút "On/mở” của phần mềm EWelink, chỉ sau vài tích tắc, đồng loạt hệ thống vòi phun nước xoay tròn 360 độ đã hoạt động tưới cho trên 100 gốc bưởi trong khu vườn của anh Nguyễn Văn Định ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình. 

Anh Định chia sẻ: "Vòi tưới tự động trong 1 - 2 tiếng đồng hồ sẽ đủ nước cho khu vườn này, tùy theo độ ẩm của đất mà tôi quyết định dừng hay tiếp tục tưới. Tôi điều khiển qua điện thoại di động lần lượt như vậy theo từng khu cho đến hết cả khu vườn bưởi rộng 1,5 ha thì thôi”. Theo anh Định, từ khi lắp hệ thống tưới nước tự động vườn bưởi ngày càng phát triển xanh tốt, cho thu nhập cao hơn các năm trước khoảng 100 triệu đồng.

Hệ thống tưới nước thông minh cho vườn bưởi của anh Nguyễn Văn Định. 

Kết quả đáng khích lệ

Trên cơ sở lợi thế sẵn có cùng với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, những năm qua, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được kết quả khả quan. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút được 29 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.202 tỷ đồng và 80 triệu USD. 

Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai từ 8 - 10 đề tài, dự án KHCN thích ứng với cuộc công nghiệp lần thứ 4, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư tương xứng mà nông nghiệp, nông thôn đã có những bứt phá ngoạn mục. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,13% (cao hơn bình quân chung của cả nước trên 2,1%). 

Cơ cấu tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, vượt 0,7% so với mục tiêu. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao như: vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm gần 900 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 5.000 ha, vùng quế 78.000 ha, vùng tre măng Bát độ gần 5.000 ha, vùng sơn tra trên 9.200 ha, rừng trồng gỗ nguyên liệu 90.000 ha...

Tỉnh đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến như: cam sành (Lục Yên), bưởi Đại Minh (Yên Bình), chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn), cá hồ Thác Bà…

Song song với đó, đã xây dựng được 30 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng phát triển 83 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; 57 dự án được chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: chè, rau, cây ăn quả có múi, sản xuất lúa gạo... Giá trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/năm.

Tiếp tục thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Thời gian tới, để phát triển nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; từng bước số hóa, thông minh hóa SXNN thông qua việc áp dụng công nghệ 4.0 vào các khâu quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm một cách phù hợp với điều kiện của tỉnh và hình thành được một số mô hình SXNN đạt tiêu chuẩn thông minh. Tỉnh sẽ xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế...".

Đồng thời, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Yên Bái tiến hành số hóa dữ liệu sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra để phục vụ phát triển thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc; triển khai một số hệ thống, ứng dụng trong quản lý, điều hành SXNN nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và giám sát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Cùng đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh số hóa các vùng, cơ sở SXNN, vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, vùng sản xuất sản phẩm đặc sản, hữu cơ; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn trang bị các thiết bị cảm biến cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản... 

Tỉnh cũng có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư KHCN vào SXNN. Cụ thể, ngày 11/11/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2823/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025. 

Trong đó, tỉnh ưu tiên các doanh nghiệp triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi lợn, gia cầm, chế biến gỗ, nuôi thủy sản; sản xuất giống cây, con; trong đó, nghiên cứu ứng dụng công nghệ phù hợp, phát huy thế mạnh về cơ sở hạ tầng, kết nối vùng để gắn kết sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, chú trọng tạo cơ chế phù hợp đưa KHCN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, hình thành những chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp... Đó chính là cái đích hướng đến cho một nền nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO