Xử lý 'rác mạng', livestream bẩn: Nhà mạng không vô can!

03/11/2021, 11:00

Ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thì cơ quan chức năng cần ràng buộc trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng mạng xã hội.

Hiện tượng livestream chửi bới, xúc phạm, nói xấu, chống phá Nhà nước trên không gian mạng, tác động xấu đến an ninh trật tự... vẫn đang xảy ra.

Nguyên nhân của hiện tượng này, các cơ quan chức năng, từng cá nhân nên làm gì để ngăn chặn hệ quả xấu? Các chuyên gia chỉ ra những điều nên làm.

Không gian mạng không còn là “ảo”

Theo ThS Lưu Đức Quang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), người sử dụng mạng xã hội hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Nếu chỉ sử dụng ngôn từ thô tục chỉ là vi phạm đạo đức nhưng cố tình bịa đặt hoặc đưa tin sai sự thật… là vi phạm pháp luật. Vì vậy, mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức để tránh xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân hoặc tổ chức khác.

Nếu phát hiện những hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền, chúng ta nên bình tĩnh lựa chọn phương cách ứng xử phù hợp, hạn chế đôi co, chửi bới trên không gian mạng dễ dẫn tới mất kiểm soát, thậm chí phạm pháp. Cần ý thức là hành xử trên không gian mạng không còn là “ảo” vì trách nhiệm pháp lý là thật.

Luật An ninh mạng điều chỉnh các hành vi sử dụng mạng xã hội nhưng nó không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết vấn đề. Do vậy, khi cá nhân, tổ chức có dấu hiệu bị xâm hại thì có quyền thực hiện các thủ tục luật pháp quy định để bảo vệ chứ cơ quan quản lý nhà nước không thể “khởi động” quy trình pháp lý thay cho những người trong cuộc, trừ khi đó là xâm phạm lợi ích công. Điều này không chỉ do bản chất “quyền” mà còn bởi sự quá tải trong thu thập, đánh giá chứng cứ nếu trách nhiệm đổ dồn vào các cơ quan chức năng.

Từ góc độ quản trị công, Bộ TT&TT cần tập trung hoàn thiện hai quy trình là quy trình xử lý nội bộ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới đối với hành vi người dùng mạng xã hội và dịch vụ liên quan. Quy trình này bộ có thể góp ý để phù hợp với thực tế nước ta. Hai là quy trình xử lý của các cơ quan công quyền khi nhận được tin báo vi phạm từ các chủ thể trên nguyên tắc đảm bảo cao nhất quyền của cá nhân, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền.

Xử lý 'rác mạng', livestream bẩn: Nhà mạng không vô can! - ảnh 1
Bị cáo Trần Thị Ngọc Nữ bị TAND tỉnh Bình Thuận xét xử tội gây rối trật tự công cộng vào ngày 18-3 vì hành vi livestream, chửi bới ở tòa án. Ảnh: PN

Điều chỉnh quy định và quy tắc

Phân tích hiện tượng livestream xúc phạm trên không gian mạng dưới góc độ tự do ngôn luận, TS - luật sưPhạm Hoài Huấn(Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nó cũng là một dạng của quyền tự do ngôn luận nhưng vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật và sẽ phải chịu trừng phạt.

Vấn đề ở đây là xác định việc phát ngôn đó có phải là phát ngôn vi phạm pháp luật hay không, vì chưa hẳn lời nói chua ngoa, làm phật lòng một số người là phát ngôn vi phạm pháp luật.

Khi xác định tính chất của các phát ngôn mới bàn về chuyện xử lý thế nào? Chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn, từ hình sự, xử phạt hành chính cho đến các phiên tòa yêu cầu xin lỗi, đính chính thông tin và bồi thường thiệt hại. Đặt trong tổng thể đó thì Luật An ninh mạng chỉ là một trong các lựa chọn khả dĩ trong nhiều lựa chọn mà chúng ta đang có.

Việc quản lý không gian số là chuyện sẽ phải làm. Vấn đề là cách tiếp cận trong việc quản lý nhà nước đối với không gian số cũng chính là thể hiện cách tiếp cận của chúng ta về quyền tự do ngôn luận như thế nào. Nhìn từ các quan sát thực nghiệm, tôi cho rằng có hai nguồn cơ bản để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức trên không gian số: Các quy định của Nhà nước và các quy tắc do các nhà cung cấp dịch vụ hoặc nền tảng tạo ra.

Chúng ta sẽ thấy ở một số quốc gia, cơ quan có thẩm quyền đã tác động đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào đó, không cho xuất hiện một số nội dung nào đó... vì những lý do nhất định. Việc kiểm soát này phải được tiến hành dựa trên nguyên tắc cẩn trọng. Bởi suy cho cùng, các quy tắc này khi đi vào thực tiễn, nó sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân theo khuynh hướng tốt hơn hoặc xấu đi tùy thuộc vào nội dung của các quy tắc.

Cần hàng rào kỹ thuật để ngăn thông tin tiêu cực
Lý giải hiện tượng thông tin tiêu cực tràn lan trên mạng, Thượng tá Huỳnh Hữu Nhân, Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), cho rằng còn nhiều vấn đề phải hoàn thiện.
Phóng viên: Hiện tượng nói xấu, bôi nhọ, tiêu cực trên mạng đang tràn lan, liệu luật pháp của chúng ta đã đủ để xử lý vấn đề “rác bẩn” trên mạng, thưa ông?
+ Ông Huỳnh Hữu Nhân: Luật hiện nay tương đối đầy đủ, phủ kín nhưng hiện tượng này vẫn còn tồn tại vì những lý do sau.
Thứ nhất, các đơn vị cung cấp Facebook, Zalo, các mạng khác, kể cả các mạng viễn thông vì lợi nhuận và các lý do khác nên xảy ra hiện tượng này.
Chúng ta vẫn hay nhận các cuộc gọi rác, các quảng cáo, các thông tin “bậy bạ” không hữu ích khác từ mạng viễn thông... Đó không thể đổ lỗi cho kỹ thuật đơn thuần mà có khả năng là thông tin bị cá nhân thu thập, rao bán.
Còn các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trên Internet có máy chủ đặt ở nước ngoài cũng có nhiều vấn đề. Ví như quan điểm của người ta khác mình về chính trị, xã hội, văn hóa, đời tư... và có những vấn đề chúng ta cấm nhưng họ lại cho là bình thường và có nhiều vấn đề tế nhị khác, đôi khi họ dùng nó vào ý đồ của họ. Mặt khác, các nhà cung cấp mạng chưa thực hiện tốt việc ngăn chặn thông tin tiêu cực.
Vấn đề thứ hai, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, vai trò còn hạn chế, còn ít phát huy. Ví như các phòng, Sở TT&TT chưa quan tâm đến vấn đề văn hóa “đen” trên mạng. Thực tế là khi có vi phạm, đa phần các vụ xử lý, xử phạt đều có vai trò của cơ quan công an trong việc thúc đẩy, tác động. Có rất nhiều lý do xảy ra việc này và cần phân tích sâu để thống nhất về quan điểm nhằm vận hành tốt hơn.
Về phía các cơ quan bảo vệ pháp luật, vấn đề quyết tâm xử lý văn hóa “đen”, “rác bẩn” cũng quan trọng. Địa phương nào quyết liệt, chú trọng trong việc thu thập, chuyển hóa, xử lý tới nơi tới chốn sẽ giảm thiểu hiện tượng này. Thực tế có những trường hợp tương tự nhau nhưng có địa phương thì xử lý, có địa phương ngần ngừ, không xử lý. Tức chúng ta có công cụ, luật pháp để xử lý nhưng vận dụng đôi khi, có lúc, có nơi chưa triệt để.
Những vấn đề khách quan, chủ quan trên, khi làm quyết liệt thì dần dần sẽ đi vào quy củ.
. Có thực tế khác là hiện tượng chống phá, chửi bới trên mạng, cắt xén, lan truyền văn hóa “đen” trên mạng tràn lan, chúng ta có biện pháp nào ngăn chặn, thưa ông?
+ Ở góc độ tổng thể, vấn đề giáo dục là vấn đề quan trọng. Cục An ninh nội địa và các đơn vị vẫn đi giảng, tuyên truyền ở các trường học, các cơ quan, xí nghiệp để giúp mọi người nhận thức sâu hơn về việc này, giáo dục vẫn là căn cơ.
Còn vấn đề xử lý, các cơ quan vẫn liên tục thực hiện từ giáo dục, nhắc nhở, xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự các cá nhân vi phạm.
Chỉ trong năm 2021, có hơn 20 trường hợp bị xử lý hình sự và hàng trăm trường hợp cơ quan chức năng xử lý hành chính, nhắc nhở, răn đe vì các vi phạm trên không gian mạng.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng việc ngăn chặn triệt để rất khó.
. Như ông nói thì luật pháp điều chỉnh các hành vi lệch lạc trên không gian mạng tương đối đầy đủ, phủ kín nhưng hiện tượng chống phá, chửi bới vẫn xảy ra, thậm chí tràn lan. Vậy cần biện pháp gì để xử lý triệt để vấn nạn này?
+ Phải thừa nhận vấn đề là đa phần đơn vị cung cấp Internet, viễn thông vì lợi ích nên nuông chiều khách hàng. Vì vậy, việc yêu cầu các nhà mạng nước ngoài phải tuân thủ, vận dụng luật pháp quốc tế phù hợp với luật pháp Việt Nam là điều rất quan trọng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần buộc nhà cung cấp tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam, buộc họ chủ động trong việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật để các thông tin độc hại không phát tán, lan truyền.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta cần chủ động, phát huy vai trò quản lý, thường xuyên cảnh báo, vì nếu chỉ dừng ở việc xử lý, giáo dục đơn thuần sẽ rất khó dẹp bỏ triệt để hiện tượng này.
. Xin cám ơn ông.
VI TRẦN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO